Suy ngẫm về vị thế thứ 12 của Việt Nam

Qua kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ về sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả xếp hạng trường học mới nhất. Theo đó, Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, kế tiếp là Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Và vượt qua các nước có nền giáo dục phát triển như Anh (thứ 20), Mỹ (thứ 28), Phần Lan (thứ 35)… Việt Nam đứng ở vị trí thứ 12.

Qua kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ về sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả xếp hạng trường học mới nhất. Theo đó, Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, kế tiếp là Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Và vượt qua các nước có nền giáo dục phát triển như Anh (thứ 20), Mỹ (thứ 28), Phần Lan (thứ 35)… Việt Nam đứng ở vị trí thứ 12.

Việc xếp hạng dựa trên điểm 2 môn Toán và Khoa học của học sinh độ tuổi 15 tại các nước, vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển trong đánh giá. Cuộc khảo sát lần này cho thấy bức tranh rộng hơn đợt kiểm tra của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mà OECD đã thực hiện năm 2012. Trong bảng xếp hạng này cũng xuất hiện các quốc gia như Iran, Nam Phi, Peru, Thái Lan được so sánh với các nền giáo dục nổi tiếng thế giới.

Theo đại diện OECD, đây là lần đầu tiên thế giới có được cái nhìn - cấp độ toàn cầu về chất lượng giáo dục. Kết quả này có thể cho phép các quốc gia, giàu lẫn nghèo có thể so sánh mình với những nền giáo dục hàng đầu thế giới, để biết được điểm mạnh, điểm yếu. Và thông qua đó thấy được cái lợi về lâu dài đối với kinh tế khi cải thiện chất lượng giáo dục. Điển hình như Singapore, đảo quốc này đã nỗ lực vươn lên từ nước có tỷ lệ mù chữ cao trong những năm 1960 và hiện tại nổi bật ở vị trí dẫn đầu. Bí quyết thành công của các quốc gia châu Á trong tốp đầu xếp hạng trường học đều bắt nguồn từ việc thu hút giáo viên giỏi và họ luôn hết lòng với sự thành công của học sinh.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra sự tụt hậu - không đạt trình độ cơ bản của một bộ phận học sinh cũng như sự tuột dốc nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục ở một số nước có nền kinh tế phát triển cao, như: Anh, Mỹ, Thụy Điển… Đặc biệt, nghiên cứu này cũng chỉ ra sự liên hệ giữa giáo dục và tiềm năng phát triển kinh tế, ước tính sự gia tăng GDP quốc gia trong suốt cuộc đời học sinh. Theo đó GDP sẽ tăng mạnh nếu tất cả học sinh đạt được trình độ cơ bản.

Có thể nói đây là tin vui và chúng ta có quyền tự hào về thành tích được đầu tư công phu - có sự góp sức của học sinh, thầy cô giáo. Kết quả của cuộc chơi này cũng góp phần “đánh bóng” hình ảnh của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung và so sánh với bảng xếp hạng của các nước khác, chúng ta cần thận trọng nhìn lại bản thân, soi rọi kỹ ưu điểm lẫn khuyết điểm đang hiển hiện. Như phân tích của các chuyên gia giáo dục, việc chọn mẫu khảo sát bài thi (hai môn học thuộc về phạm vi dạy chữ) là một lợi thế của chúng ta và kết quả đạt được là chuyện đương nhiên. Bởi lẽ, học sinh của chúng ta được học quá nhiều chữ - kiến thức, cộng thêm có truyền thống dạy thi, luyện thi nên thích ứng rất giỏi với thi thố - tranh tài ở các cuộc thi cấp quốc tế. Thế nên, nếu chỉ nhìn vào thành tích màu hồng này với tiêu chí đánh giá chưa toàn diện mà nghĩ rằng chất lượng giáo dục của Việt Nam đã sánh vai, thậm chí vượt xa các nước có nền giáo dục phát triển thì quá ảo tưởng.

Thực tế cho thấy, khi cọ xát với học sinh - sinh viên quốc tế, học sinh - sinh viên Việt Nam thua kém rất nhiều thứ. Đó là thiếu sự tự tin, thiếu sự năng động, yếu kém về kỹ năng thực hành, sáng tạo, làm việc nhóm và xử lý các vấn đề của cuộc sống một cách thiếu linh hoạt. Lỗ hổng, khiếm khuyết này đã được mổ xẻ rất nhiều và nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn học không đi sát với hành, thiếu ứng dụng trong thực tiễn và việc học nặng về nhồi nhét kiến thức, chỉ để ứng thí với thi cử là chính. Câu hỏi khiến chúng ta trăn trở, day dứt là trí tuệ, kiến thức nền của học sinh Việt Nam không thua kém học sinh các nước có nền giáo dục phát triển, thậm chí cao hơn và học sinh của chúng ta giành rất nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc tế nhưng vì sao không có nhà khoa học trẻ nào tỏa sáng trên bầu trời nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế mới của thế giới? Đến bao giờ chúng ta mới tạo được giá trị gia tăng cho nền kinh tế từ những thành quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học?

Như thế, đổi mới giáo dục phải hướng đến thực chất, chú trọng lấp dần những lỗ hổng, khiếm khuyết của nền giáo dục đang có nguy cơ tụt hậu xa với thế giới. Cần tạo ra môi trường công bằng để học sinh phát triển năng lực cá nhân, hoàn thiện những kỹ năng cần thiết ở thế kỷ 21. Có như thế giới trẻ Việt Nam mới tự tin hội nhập, thích ứng với môi trường sống và xu hướng làm việc đa quốc gia như hiện nay.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục