Tác giả “Sài Gòn quật khởi” đã đi xa

Nhạc sĩ Hồ Bắc - tác giả bài Sài Gòn quật khởi - sinh ngày 8-10-1930 tại Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh, một trong những chiếc nôi của âm nhạc dân gian nổi tiếng Đồng bằng Bắc bộ. Ông vừa mất ngày 8-2-2021 tại Hà Nội... 

Nhạc sĩ Hồ Bắc
Nhạc sĩ Hồ Bắc

Quê ở Bắc Ninh - đất tổ của những làn điệu dân ca quan họ đậm chất trữ tình và là di sản văn hóa quý của Việt Nam, và nhà lại ở ngay tại phố phủ thường có tuồng chèo, cải lương, cậu bé Hồ Bắc ngày càng mê mải với đàn hát, thường mày mò tập chơi đàn tứ, đàn mandoline… Từ tháng 3-1945, trước Cách mạng tháng Tám khoảng 5 tháng, khi 15 tuổi, Hồ Bắc đã tham gia Việt Minh hoạt động tại Bắc Giang và Vĩnh Yên. Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Bắc đã xin vào Đoàn kịch Tháng Tám của Trần Huyền Trân, tham gia ca hát và diễn kịch.

Năm 1947, lúc 17 tuổi, đang học cấp 3 tại Trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh, cậu học sinh Hồ Bắc đã sáng tác khá nhiều ca khúc, có thể kể đến các bài như Bầy chim non, Nữ sinh vui ca, Trường Hàn Thuyên kháng chiến, hai bài phổ thơ Nguyễn Quảng Tuân là Đóa hồng đỏ Mùa cưới… Cũng như những sáng tác đầu tay của các nhạc sĩ khác, thường là bước đi chập chững, chưa có gì đặc sắc.

Năm 1948, Hồ Bắc sáng tác một số bài khác, trong đó đáng chú ý có hai bài Gặp nhau Giờ vui chóng tàn. Hai bài này Hồ Bắc tự viết ca từ, âm hình giai điệu và âm hình tiết tấu đã có một bước tiến đáng kể.

Năm 1949, lúc 19 tuổi, chàng thanh niên Hồ Bắc tham gia bộ đội. Khi khoác áo “anh lính Cụ Hồ”, chàng nhạc sĩ trẻ bắt đầu có sáng tác hay. Tuổi trẻ phơi phới lên đường chiến đấu tất có nhiều cảm hứng mới. Chính vào 1949, năm đầu tiên vào bộ đội, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác hai bài. Đó là Làng tôi Anh sẽ về. Làng tôi là ca khúc khá phổ biến thời ấy.

Năm đầu tiên vào bộ đội, nhạc sĩ Hồ Bắc công tác ở Văn phòng Nghiên cứu Thống kê Bộ Tổng tư lệnh. Chiều chiều giờ rỗi, chàng lính trẻ Hồ Bắc ôm đàn violon ra “cò cưa” bên bờ dòng suối ở Đại Từ, Thái Nguyên. Nhớ đến quê nhà Bắc Ninh đang bị giặc Pháp “tràn qua đốt phá tan hoang” và từ đó có cảm hứng sáng tác bài Làng tôi. Bài viết theo nhịp 3/4, giọng La trưởng, hai đoạn đơn, đoạn A vừa phải tha thiết, đoạn B dạt dào tin yêu. Có thể nói đây ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Hồ Bắc nổi tiếng trong quần chúng.

Năm 1950, tức năm thứ hai sau khi ông tham gia bộ đội, ông sáng tác bài Bên kia sông Đuống, lời trích thơ của Hoàng Cầm, được phổ biến trong thời kỳ này. Năm 1950, trên đường đi công tác ở Quân khu Việt Bắc, ông chợt nảy ra giai điệu đầu tiên phổ nhạc bài thơ Bên kia sông Đuống. Lúc ghé vào một quán bên đường, ông lấy giấy bút ra ghi vội mấy câu, bài chưa xong, nhưng hết giờ giải lao, lại phải xếp vào ba lô tiếp tục lên đường. Đến lúc dự lớp bổ túc âm nhạc cho nhạc sĩ trẻ, do các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Đỗ Nhuận… hướng dẫn, Hồ Bắc tiếp tục viết xong bài hát Bên kia sông Đuống. Trước đó mấy năm, ông có phổ thơ, nhưng đến bài này mới được phổ biến.

Năm 1951, nhạc sĩ Hồ Bắc về phụ trách ca nhạc Văn công Sư đoàn 316. Ở đây có hai nhạc sĩ là Bùi Công Kỳ và Hồ Bắc, hai ông phải làm nhiều việc như sáng tác, biểu diễn, chỉ huy, dạy nhạc cho các bạn trẻ… Ba năm sau, 1954, ông lại về phụ trách ca nhạc Văn công Tổng cục Hậu cần. Lúc ở các đoàn văn công, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác khá nhiều. Đáng chú ý có bài Gặt nhanh tay viết năm 1952, tiết tấu rộn ràng, tươi sáng.

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông cũng đã có một số sáng tác như Nhớ những mùa xuân, Chiều Hồ Tây… và đáng chú ý là bài Giữ mãi tuổi xuân, giai điệu mượt mà, trong sáng, thể hiện niềm vui nửa nước được giải phóng, phản ánh khí thế và quyết tâm của nhân dân trong những năm đầu đấu tranh thống nhất đất nước, nên được quần chúng yêu thích.   

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Hồ Bắc biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi về hưu năm 1990. Ba thập niên rưỡi công tác tại một cơ quan thông tin đại chúng lớn ở miền Bắc lúc bấy giờ đã tạo điều kiện để nhạc sĩ Hồ Bắc phát huy tối đa khả năng sáng tác âm nhạc của mình.   

Từ năm 1956, khi về Đài Tiếng nói Việt Nam đến 1975, khi đất nước thống nhất, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng như hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc, Giữa biển trời Xô viết Nghệ An, Tiếng cồng Plây-gi-răng, Sài Gòn quật khởi, Bến cảng quê hương tôi, Ngày mới trên thành phố, Tổ quốc yêu thương…

Cho đến nay, bài Sài Gòn quật khởi vẫn được phổ biến rộng rãi. Bài này ra đời vào dịp Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Sáng mùng 3 Tết, Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin cả miền Nam đang nổi dậy. Hồ Bắc chạy vội từ nhà đến Đài. Lãnh đạo Đài, Hội Nhạc sĩ đề ra yêu cầu cần có ngay lập tức nhiều sáng tác mới. Gác lại mọi cuộc vui ngày tết, ông đóng cửa phòng riêng, bật đèn lên ngồi sáng tác với ý định viết một bản nhạc hùng tráng, đầy tự hào, nhưng là nhưng nét nhạc đằm thắm, ngọt ngào. Với niềm vui sướng, xúc động cao độ, nhạc sĩ Hồ Bắc đã thức trắng đêm mùng Ba Tết năm 1968 và khi hoàn thành bài hát Sài Gòn quật khởi là lúc ánh bình minh vừa ló rạng ở phía Đông. Và bài hát sống mãi từ đó đến nay, qua hơn nửa thế kỷ.

Sau bài hát này ít lâu, nhạc sĩ Hồ Bắc viết một ca khúc về công nhân cảng khá hay, đó là bài Bến cảng quê hương tôi ra đời năm 1970, đó là lúc khói lửa chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ đang diễn ra trên miền Bắc. Bài hát nói về bến Cảng Hải Phòng, dù địch ném bom, bắn phá, rải mìn vẫn kiên cường đánh trả và chiến thắng vẻ vang, làm tròn nhiệm vụ cửa ngõ đường biển đưa nhanh hàng hóa đến mọi miền đất nước.

Hồi đó, bài Bến cảng quê hương tôi được coi là một ca khúc có nhiều khám phá mới mang tính hiện đại trong giai điệu và tiết tấu. Ca từ bài hát trau chuốt, nhiều hình tượng. Tình cảm bài hát trẻ trung, lạc quan yêu đời. Đây là một ca khúc được viết theo thể 2 đoạn. Đoạn đầu với giọng Mi thứ, giai điệu tươi trẻ, mượt mà… Đoạn sau, giai điệu chuyển sang giọng Mi trưởng, trong sáng, vui khỏe.

Năm 1975, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác bài Tổ quốc yêu thương rất được quần chúng yêu thích. Nhiều giọng đơn nam đã trình bày bài này khá ấn tượng. Ngày 30-4-1975, khi nghe tin giải phóng Sài Gòn, ông rất xúc động, cảm thấy cần phải sáng tác một bài nói lên cảm xúc của mình. Ngay trong đêm hôm đó, ông nằm trên giường suy nghĩ, motif nhạc chủ đề chợt xuất hiện, lại ngồi dậy viết. Nằm xuống, ngồi dậy không biết bao nhiêu lần và sau cùng bài hát Tổ quốc yêu thương cũng đã hoàn thành. Trước đây, viết về đề tài miền Nam đánh Mỹ, ông đã có nhiều bài hành khúc hùng tráng, như Sài Gòn quật khởi chẳng hạn, lần này ông muốn làm khác đi, dùng thể loại đơn ca trữ tình, sâu lắng, tin yêu, tự hào.

Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8-10-1930 tại Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh, một trong những chiếc nôi của âm nhạc dân gian nổi tiếng Đồng bằng Bắc bộ.

Ông mất ngày 8-2-2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Với những cống hiến về lĩnh vực âm nhạc, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục