Tác quyền âm nhạc: bao nhiêu là hợp lý?

Tác quyền âm nhạc: bao nhiêu là hợp lý?

Vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là một câu chuyện dài và phức tạp. Nguyên nhân gốc rễ là do chúng ta chưa quen lắm với cung cách sống và làm việc theo pháp luật. Bởi vì ngay từ 16-11-2006, Thứ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT và Du lịch) Trần Chiến Thắng đã ký công văn số 4737/BVHTT- BQTG về “Thu tiền tác quyền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc”.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gởi Bộ VHTT trước đây đề nghị nghiên cứu và có giải pháp thực hiện cụ thể để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (BVQTGAN) Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Khung pháp lý và những biện pháp BVQTGAN đã có từ nhiều năm qua kể từ khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập Trung tâm BVQTGAN Việt Nam (VCPMC).

Mới đây dư luận lại rộ lên về tiền tác quyền trong âm nhạc, và chuyện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu cầu các phòng trà thực hiện điều này cũng chỉ là một phản ứng bình thường của chủ sở hữu. Giá sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn là 300.000đ/bài hát/lần được nêu ra đã tạo một sự bàn tán xôn xao trong dư luận. Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT phụ trách mảng nghệ thuật.

* Bà có thể nhận định gì nhân chuyện tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn?

Tác quyền âm nhạc: bao nhiêu là hợp lý? ảnh 1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

* Tôi nghĩ có 2 vấn đề đặt ra: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người thừa kế của ông có quyền hưởng tác quyền và nên hưởng mức nào phù hợp với quy định của pháp luật và với mối quan hệ từ lâu nay giữa những người sử dụng, những người thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn. Hai là khẳng định những người thừa kế của Trịnh Công Sơn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thừa kế được quyền hưởng tác quyền của ông nhưng cũng cần bàn hưởng ra sao, hưởng thế nào.

 Người thừa kế tác quyền của ông Sơn phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật và tìm đến cơ quan thực hiện tác quyền trong âm nhạc để hiểu rõ ràng, cụ thể hơn. Trước nay tác quyền được hưởng theo mức nào đối với phòng trà, sân khấu, băng đĩa, phim ảnh… thì đã có thông lệ bước đầu thể hiện qua Trung tâm BVQTGAN Việt Nam, còn nội dung đưa ra 300.000đ/bản nhạc/lần đã hợp lý chưa thì cần bàn luận.

Lâu nay có đơn vị nào sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn tự giác trả tác quyền đầy đủ chưa? Tôi đi phòng trà nhiều, có nơi phụ thu tiền nghe nhạc vào nước uống từ 50 ngàn đồng đến 75 ngàn đồng, 120 ngàn đồng, riêng phòng trà Không Tên giá 61 ngàn đồng/ly nước(đã có tiền nghe nhạc). Như vậy tiền phụ thu xem như giá vé nghe nhạc. Có lợi nhuận từ việc sử dụng nhạc là phải trả bản quyền tác giả.

Sở dĩ có chuyện thắc mắc hoặc sững sờ vì lâu nay không rõ ràng trong hợp đồng, không làm bài bản. Nhân chuyện này cho thấy cách làm việc theo pháp luật chưa trở thành thói quen cho cả những người biểu diễn chuyên nghiệp và những người có quyền sở hữu tác phẩm. Tất cả thái độ vừa qua của bên sở hữu cũng như bên sử dụng tác phẩm là sự phản ứng theo kiểu chưa quen thuộc với cách sống theo pháp luật.

Lẽ ra sau khi bàn bạc thảo luận trên một khung giá rồi ký hợp đồng cụ thể mà cả hai bên đều chấp nhận được là xong. Tôi nghĩ không khó nếu biết cùng dựa vào những văn bản quy định của luật pháp hiện hành cộng với tình cảm, thiện chí của hai bên.

Về phía Sở VHTT, để tiếp tục đưa việc BVQTGAN vào nề nếp, minh bạch và đúng luật, kể từ quý 2-2008, Sở VHTT sẽ mở đợt tập huấn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trước hết chúng tôi sẽ tập huấn công chức nhà nước ở các cơ quan cấp phép của Sở VHTT và tại các quận, huyện, các hãng băng đĩa, Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật v.v…”.

Giải thích rõ hơn về chuyên môn, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm BVQTGAN Việt Nam- Chi nhánh phía Nam tại TPHCM, đã nhìn nhận vấn đề này qua chuyện tác quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở một khía cạnh khác: “Đây là một tín hiệu vui vì làm cho người ta quan tâm nhiều hơn để tìm hiểu về bản quyền tác giả, qua đó nâng cao ý thức trong việc này. Trung tâm chúng tôi đã ký hàng ngàn hợp đồng và đưa ra khung giá đều được các bên chấp nhận do có các căn cứ xác đáng, hợp lý như sau: Tham khảo các chuyên gia về luật bản quyền quốc tế do họ đã có kinh nghiệm từ 100, 200 năm qua; nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam; dựa trên Nghị định 61/CP của Chính phủ về chế độ nhuận bút, đặc biệt có tính đến mặt bằng kinh tế của đất nước.

Khi đã đưa ra được khung giá tiền tác quyền hợp lý thì sẽ tạo điều kiện cho các đối tác sử dụng nhạc thực thi có hiệu quả việc trả tác quyền đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra điều này còn bảo đảm yếu tố đưa đời sống âm nhạc ra phục vụ xã hội. Ví dụ, lấy giá vé x 75% sức chứa x 5% = tiền bản quyền trong toàn bộ chương trình. Ở phòng trà không tính bài hát từng đêm mà tính diện tích sàn, số ghế có trừ ngày ế, ngày mưa gió… để qui ra tiền tác quyền mỗi năm. Như vậy là vừa phải.

Khi đi nghiên cứu bên Thụy Sĩ chúng tôi được các chuyên gia sở hữu trí tuệ của Liên hiệp quốc (WIPO) giải thích rằng việc trả tiền tác quyền không nghĩ đến tác giả nổi tiếng hay không nổi tiếng, mà tính theo số lượng bài hát nhiều và tần suất sử dụng bài hát nhiều thì tiền tác quyền sẽ lớn. Tác giả có thể ra giá 1 triệu USD/bài hát/lần sử dụng là chuyện của người có quyền sở hữu. Riêng trường hợp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có ủy thác cho Trung tâm BVQTGAN Việt Nam thu hộ tác quyền thì chúng tôi không có nghĩa vụ và trách nhiệm gì về việc này”.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Trưởng ban kiểm tra Hội Âm nhạc TPHCM, nhận định: “Nếu gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đòi hỏi cứ hát mỗi bài, dù là những bản nhạc xưa cũ như Hạ trắng đã được sử dụng từ lâu rồi, nay mỗi đêm hát 1 lần phải trả 300.000đ/bài tiền tác quyền là vô lý. Phải thừa nhận nhạc anh Sơn quá hay vốn được nhiều người yêu thích, nhưng nếu đặt vấn đề không khéo sẽ mất vui… Nhân đây chúng tôi còn cảm nhận một điều là cũng có rất nhiều nhạc phẩm góp ích lớn cho các phong trào xã hội, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đâu có đặt nặng vấn đề tác quyền khi sử dụng. Tất nhiên chúng tôi ủng hộ trước hết phương án thực thi tốt nhất luật pháp quy định về việc BVQTGAN. Tôi nghĩ tiền tác quyền ở mỗi bài hát nên ngang nhau, nhưng đối với tác phẩm nổi tiếng của tác giả nổi tiếng sẽ có số lần sử dụng nhiều hơn, nên cộng lại tiền tác quyền vẫn cao hơn”. 

NGUYÊN CHƯƠNG 

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Ngọc Cường:
Mức thu tiền tác quyền cần phải có căn cứ!

Xung quanh việc gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có yêu cầu các đơn vị sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ phải trả tiền tác quyền, ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho rằng cần phải có cân nhắc kỹ càng.

Ông khẳng định, việc sử dụng tác quyền là thỏa thuận giữa người sử dụng và người chủ tác phẩm, cơ quan nhà nước không tác động được vào thỏa thuận thu phí bản quyền là bao nhiêu. Song cần phải đưa ra các căn cứ xác thực và hợp lý để công chúng có thể chấp nhận. Việc gia đình các nhạc sĩ tự đứng ra thương lượng bản quyền là được luật pháp cho phép. Nhưng cũng nên thu thế nào cho hợp lý.

Kinh nghiệm của nhiều nước được coi là thực hiện bản quyền nghiêm túc thì các nhạc sĩ nên ủy quyền cho các tổ chức chuyên trách như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chẳng hạn. Như vậy, quyền lợi của nhạc sĩ được đảm bảo, hơn nữa cách làm việc cũng chuyên nghiệp và có hệ thống hơn. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, trung tâm này vẫn chưa tạo được niềm tin đối với tất cả các nhạc sĩ.

+Trung tâm BVQTGAN cũng nên xây dựng tiêu chí cụ thể căn cứ vào đâu để đưa ra được mức phí đó. Không thể cứ nói là nghệ thuật vô giá, là sản phẩm đặc biệt không thể định giá được. Mức thu phí phải được Bộ Tài chính công nhận, trả cho tác giả bao nhiêu và nộp thuế bao nhiêu rồi được giữ lại bao nhiêu để hoạt động cần cụ thể rõ ràng. Qua đó, Trung tâm hoạt động càng hiệu quả, trở thành chỗ dựa cho các nhạc sĩ và khích lệ những sáng tạo mới trong lĩnh vực âm nhạc.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục