Taliban xoay xở cứu nền kinh tế

Hơn hai năm sau khi tiếp quản, chính phủ Taliban đang chật vật duy trì nền kinh tế và tiến tới nền kinh tế tự cung tự cấp.

Ngoài việc xây các con đập và kênh đào để thúc đẩy nông nghiệp, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng…, theo Washington Post, các quan chức Taliban cho biết ưu tiên hàng đầu là mở rộng khai thác dầu. Bên cạnh đó, chính quyền Taliban cũng đang gấp rút khai thác nguồn tài nguyên quặng lithium và các khoáng sản khác của đất nước, trị giá gần 1.000 tỷ USD. Hiện họ đã ký được 7 hợp đồng khai thác mỏ vào đầu năm nay, trị giá 6,5 tỷ USD.

Tham vọng tiến tới tự cung tự cấp của chính quyền Taliban diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Afghanistan tiếp tục xấu đi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, số người Afghanistan có nhu cầu nhân đạo đã tăng khoảng 60% kể từ năm 2021 và hiện chiếm hơn 2/3 dân số. Trong khi đó, hơn 9 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương lại đang bị đóng băng bên ngoài Afghanistan. Các chủ doanh nghiệp Afghanistan thiếu tiền mặt trầm trọng…

Trong khi đó, Pakistan - đối tác thương mại hàng đầu của Afghanistan, ngày càng thất vọng với chính phủ ở Kabul và sẵn sàng cắt đứt quan hệ kinh tế. Giới lãnh đạo Pakistan đổ lỗi cho Taliban chứa chấp các tay súng tấn công chết người ở Pakistan gần đây. Islamabad đã trục xuất hàng trăm ngàn người tị nạn Afghanistan, tịch thu hàng nhập khẩu của Afghanistan và áp đặt các hạn chế đối với thương mại xuyên biên giới.

Các đối tác mới của Afghanistan cũng chưa chắc chắn. Mối quan hệ của chính phủ Trung Quốc với Taliban vẫn còn hạn chế. Taliban đang tập trung phần lớn hoạt động tiếp cận Iran, nhưng căng thẳng biên giới kéo dài về nguồn cung cấp nước khan hiếm khiến mối quan hệ chính trị giữa hai nước trở nên khó lường.

Trong bối cảnh chính quyền Taliban vẫn còn chịu sự cô lập của quốc tế, ông Omar Joya, một nhà kinh tế người Afghanistan cho rằng: “Bản thân khả năng tự cung tự cấp không có ý nghĩa gì, trừ khi Taliban có thể đạt được tăng trưởng kinh tế, việc làm, giảm mức nghèo đói, làm sao để người dân ít nhất có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ”. Hơn nữa, điều chắc chắn sẽ dọn đường cho viện trợ và đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế là việc mở lại trường học cho nữ sinh.

Tin cùng chuyên mục