Suốt tuần qua, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước trở thành tâm điểm của nhiều sự kiện quan trọng: diễn đàn kinh tế tư nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, đối thoại chính sách về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)… Đặc biệt, hội nghị thu hút đầu tư vào TP Hà Nội đã được tổ chức vào một ngày nghỉ cuối tuần với sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ và hàng chục vị bộ trưởng, trưởng ngành. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước phải ngày càng nhỏ đi, nhưng hiệu quả hơn. “Việc gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa phải quyết tâm đó đã thấm đến tất cả các bộ ngành trung ương, các cấp chính quyền địa phương. Tại hội thảo thu hút đầu tư vào TP Hà Nội ngày 4-6, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, từ kết quả điều tra DN do VCCI tiến hành qua nhiều năm, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực trọng điểm mà DN hiện nay còn gặp nhiều phiền hà là yêu cầu bức thiết nhất. Cụ thể, đó là các lĩnh vực thuế (45% số DN được khảo sát phản ánh), bảo hiểm xã hội (42%), và đất đai (36%). Riêng với lĩnh vực đất đai, trong số 19% DN có thực hiện TTHC đất đai trong 2 năm gần nhất, có tới 49% cho biết gặp khó khăn trong thực hiện TTHC này.
Cụ thể hóa luận điểm của ông Vũ Tiến Lộc, ông Đỗ Quang Hiệp, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội kiến nghị, quy trình giải quyết chuyên môn từng phòng ban trong các sở ban ngành, quy trình lấy ý kiến giữa các sở ban ngành và liên ngành bao gồm hồ sơ, biểu mẫu, quyền hạn và thời gian các đầu mối nhận và trả kết quả... còn rất khác biệt, khiến cho DN không tài nào nắm được quy trình và tiến độ giải quyết hồ sơ. Cách tính các loại thuế như VAT, thu nhập, đất đai… cũng không còn phù hợp với điều kiện hội nhập.“Đâu đó có câu nói Hà Nội không vội được đâu, đến nay phải chuyển thành Hà Nội phải vội để tạo niềm tin cho các DN trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh và phát triển”, doanh nhân này ví von.
Tất nhiên, đây không phải câu chuyện của riêng Hà Nội. Khu vực kinh tế tư nhân trên cả nước hiện nay gặp rất nhiều khó khăn cả về khung khổ luật pháp lẫn triển khai thực thi pháp luật. Tại một cuộc đối thoại chính sách diễn ra gần đây, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã “điểm danh” hàng loạt văn bản hướng dẫn thi hành trái với tinh thần của Hiến pháp, pháp luật và… xung đột với nhau. Điểm chung của những văn bản này là giành phần dễ cho cơ quan quản lý, khó cho DN; thậm chí “bóp nghẹt” những DN yếu thế.
Bên cạnh đó, như Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ryu Hang Ha cho biết, ngoài việc một số quy định bất hợp lý hoặc TTHC rườm rà, thì ngay tại Hà Nội, nơi có mặt bằng dân trí cao, vẫn xảy ra tình trạng thiếu lao động lành nghề và có chuyên môn. Cần nói thêm rằng, hiện đã có hơn 4.600 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, nếu như Việt Nam khắc phục được những nhược điểm (không thể nói là nhỏ) như đã kể trên.
Tiềm năng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là không có gì phải bàn cãi, người đứng đầu Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm. Thế nhưng, việc biến tiềm năng đó thành lợi thế phát triển thực sự còn phụ thuộc vào thực tế diễn biến trong cuộc sống.
ANH THƯ