Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có văn bản yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) tạm dừng đăng ký xuất bản truyện ngôn tình, đam mỹ và đề nghị lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam... Đây được coi là giải pháp tình thế được đưa ra khi làn sóng sách ngôn tình với nội dung bị coi là dễ dãi, thô tục, thiếu định hướng đối với giáo dục giới trẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Trào lưu sách ngôn tình
Ngôn tình là thể loại tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc. Nội dung của tiểu thuyết ngôn tình chủ yếu là các câu chuyện lãng mạn, nhân vật chính đều hoàn hảo. Ngôn tình được chia ra làm nhiều loại: hiện đại, cổ đại, xuyên không (ngược dòng thời gian về thời cổ)… Nhưng dù ở thể loại nào, các tác phẩm cũng không thoát khỏi mô-típ lãng mạn kiểu nam chính đẹp trai lạnh lùng, giàu có tài giỏi nhưng điêu đứng vì một cô gái cá tính đặc biệt, nghèo nhưng tự trọng. Kết quả chuyện tình lúc nào cũng đẹp như mơ khiến nhiều bạn trẻ khó tránh khỏi bị hấp dẫn.
Tại Việt Nam, thời gian đầu, truyện ngôn tình chỉ lưu hành trên các trang mạng, sau thời gian được đón nhận nhiệt tình, nhiều nhà xuất bản đã nắm bắt cơ hội cho xuất bản thành sách và đến thời điểm này, sách ngôn tình Trung Quốc đã trở thành thể loại sách ăn khách. Trên phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) nhiều năm nay, sách ngôn tình Trung Quốc đang thống trị về số lượng. Ban đầu, tham gia vào việc làm dòng sách này là các NXB Quảng Văn, Đinh Tị, Bách Việt, Văn Việt… nhưng gần đây, lại xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới như Tân Việt, Limbooks, Phương Nam.
Một số sách ngôn tình, đam mỹ trên thị trường.
Theo chị Thúy Hoa, chủ một cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ (Hà Nội), phần lớn các bạn trẻ đến mua sách đều chọn thể loại sách này. Trong đó, đa phần là các độc giả nữ ở tuổi mới lớn, vì cách viết của những tác giả đó lôi cuốn và hấp dẫn người đọc, làm người đọc tò mò muốn biết các tình tiết phía sau. Hơn nữa, bên cạnh tình yêu, yếu tố số phận được thể hiện trong truyện rất lãng mạn, lung linh. Các tác giả viết ngôn tình đáng kể có thể kể đến Tân Di Ổ, Đồng Hoa, Cố Mạn, Đường Thất Công Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lâm Địch Nhi... Cần nhìn nhận khách quan, ngôn tình dù chỉ được coi là văn học giải trí, nhưng nó thực sự là một nhu cầu, thậm chí là nhu cầu cao của giới trẻ. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng sách này, cùng với những cuốn sách nhẹ nhàng, ngôn ngữ đơn giản khơi gợi được những tình cảm ấm áp và lòng chung thủy thường thấy trong dòng truyện này thì xuất hiện những cuốn sách có nội dung lệch lạc, đi ngược với thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của giới trẻ.
Chính vì thế, việc Cục Xuất bản, In và Phát hành ra văn bản ngừng cho đăng ký sách ngôn tình, đam mỹ, để rà soát được cho là cần thiết nhằm hạn chế những tác động xấu đến người đọc, cũng để nhiều người nhìn nhận đúng đắn hơn rằng truyện ngôn tình không phải sến sụa, vô bổ...
Nhà văn Phong Điệp cũng cho rằng: “Sách - cũng như những món ăn khác nhau - đáp ứng nhiều nhu cầu, sở thích khác nhau của bạn đọc. Việc chọn sách để đọc là quyền của mỗi người. Rồi độc giả cũng sẽ chán ngay thôi. Tôi tin, những cái gì ít giá trị thì cũng nhanh chóng bị lãng quên”. “Trào lưu viết sách sến như hiện nay cũng như một thứ mốt, nó sẽ không “sống” được lâu, như những thứ thời trang, mốt, có thể thay đổi từng ngày”, nhà văn trẻ Di Li chia sẻ. Người viết sách kiểu này rất nhanh (chỉ một hai tháng là xong) theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản. Những cuốn sách đó được bán trong một thời gian nhất định rồi đi vào quên lãng, người ta cũng sẽ không tái bản lại nữa.
Dừng chứ không cấm
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa khẳng định: Ngay sau công văn tạm dừng đăng ký xuất bản truyện ngôn tình, chúng tôi sẽ cho tổng kiểm tra xem toàn bộ những truyện ngôn tình, đam mỹ đã từng xuất bản ở Việt Nam từ trước đến nay là thế nào, truyện có chất lượng hay là những tác phẩm có phẩm cấp kém. Mà muốn làm như thế, phải có thời gian và công văn tạm dừng đăng ký xuất bản này chính là biện pháp hữu hiệu nhất. Nếu chúng tôi không tạm dừng đăng ký xuất bản, những tác phẩm ngôn tình, đam mỹ càng ngày càng nhiều, rất khó khăn cho công tác phân loại, xử lý.
Giới trẻ cần được trang bị bộ lọc tốt trước “rừng” sách ngôn tình.
Về luật, dừng đăng ký không phải là dừng xuất bản, chỉ là lúc này Cục Xuất bản, In và Phát hành không tiếp nhận đăng ký nhưng lúc khác thì vẫn có thể cho tiếp tục đăng ký. Quyền xuất bản vẫn trong tay các nhà xuất bản, khi kiểm tra thấy tác phẩm tốt, lành mạnh, các nhà xuất bản lại tiếp tục đăng ký. Nếu không, các nhà xuất bản có quyền kiện vì cục đã ra một văn bản trái luật.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao không rà soát chung tất cả dòng ngôn tình của văn học thế giới khi mà nhiều cuốn sách như 50 sắc thái còn ngập tràn những tình tiết phòng the, dung tục... so với nhiều cuốn sách được xếp vào dòng ngôn tình? Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, cục ra quyết định tạm dừng bởi chỉ có dòng sách ngôn tình, đam mỹ đang trở thành trào lưu. Còn trong thời gian tới, cục sẽ siết chặt mọi khâu và nâng cao chất lượng của tất cả xuất bản phẩm, không riêng một thể loại nào. “Trước kia chúng ta thiếu thốn, chỉ mong có sách để đọc, còn bây giờ, đã bắt đầu vào giai đoạn chúng ta có quyền lựa chọn đọc cái gì cho hay, cho đẹp”, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định.
Ông Chu Văn Hòa cho biết: “Việc dừng đăng ký xuất bản chỉ để kiểm tra. Trong văn bản chúng tôi đã nêu rõ, yêu cầu các NXB chọn lọc, tổ chức biên tập bản thảo, chọn những tác phẩm có giá trị tinh thần cao để phục vụ cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các biên tập viên trong NXB. Nhất là khi nhiều NXB đã “trao toàn quyền” cho các đối tác liên kết để đưa những ấn phẩm này vào thị trường trong nước”.
Nhiều người đặt vấn đề: Do không làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, để “lọt sổ” nhiều truyện ngôn tình, đam mỹ dung tục ra thị trường, nay lại đưa ra quy định tạm dừng, phải chăng đã thể hiện sự yếu kém, bất lực của các cơ quan quản lý, vốn đã tồn tại suốt thời gian qua?
|
MAI AN