Tâm huyết phục chế mũ miện

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông không ngừng nhắc đến cơ duyên đưa mình đến với nghề phục chế mũ miện. Từ sự sắp đặt ấy, ông đón nhận và hồi sinh cho những bảo vật có tuổi đời hàng trăm năm bằng tất cả tâm huyết, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và đặc biệt là đôi tay vàng. 
Nghệ nhân Vũ Kim Lộc miệt mài với công việc phục chế các loại mũ miện
Nghệ nhân Vũ Kim Lộc miệt mài với công việc phục chế các loại mũ miện

Người đầu tiên kết mũ mã vĩ

Căn nhà yên tĩnh nằm trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM), nơi nghệ nhân Vũ Kim Lộc cất giữ một “báu vật”. Từ chiếc tủ gỗ màu gụ, ông cẩn thận lấy chiếc mũ kết từ lông đuôi ngựa (mũ mã vĩ) với những họa tiết trang trí bằng bạc, đá cầu kỳ. Chiếc mũ ông cho tôi xem là mũ Xuân Thu thời Chúa Nguyễn (đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Ông cho biết, khi tìm thấy, chiếc mũ này được đựng trong một hũ sành nhưng phần cốt mũ đã mục, chỉ còn các trang sức bạc, nhưng nhiều phần đã gãy. Từ hiện vật gốc đến các chi tiết phục chế được ông ghi chép, chụp hình cẩn thận. Ông cho tôi xem viên đá hổ phách đính trên thân mũ đã vỡ, nhưng dấu vết hoa văn còn in hằn giúp ông hình dung rõ họa tiết trang trí.  

“Nếu mũ của các vị vua triều Nguyễn thường nặng về hình thức trang trí với hàng ngàn chi tiết bằng vàng, bạc, ngọc, ngà… thì mũ mã vĩ có khó khăn riêng. Kỹ thuật đan kết gần như thất truyền, thậm chí tôi từng nghĩ đến việc bỏ cuộc vì công việc đi vào bế tắc”, nghệ nhân Vũ Kim Lộc chia sẻ. 

Cơ duyên đưa ông đến việc phục chế chiếc mũ mã vĩ đầu tiên (của Thống chế Thoại Ngọc Hầu) vào năm 2011 theo lời mời của Ban Quản lý Khu di tích lăng miếu Núi Sam ở Châu Đốc (An Giang). Thời điểm đó, quá trình tu bổ khi dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị lát gạch xung quanh, các công nhân phát hiện một khoảnh đất bị sụp xuống. Ban Quản lý Khu di tích và Bảo tàng An Giang đã khảo sát, xin phép UBND tỉnh và Sở VH-TT-DL An Giang tiến hành khai quật khu vực này. Hàng trăm hiện vật quý: vàng, bạc, đồng, đồng tráng men (pháp lam), sắt, gỗ, gốm sứ, thủy tinh, đá, ngà, xương, răng, nanh hổ... đã được phát hiện. Khi bắt gặp chiếc mũ hổ đầu này, thử thách lớn nhất là kỹ thuật đan kết bằng lông đuôi ngựa ông chưa từng phục chế. Ông điền dã ra Huế tìm kiếm tài liệu, tư liệu thực tế. May mắn đưa ông đến nhà ông Cao Hữu Nam (cháu đời thứ tư của cụ Cao Hữu Dực, Tổng đốc An Giang - Hà Tiên thời vua Tự Đức). Một sự trùng hợp kinh ngạc, cụ Thoại cũng từng giữ chức vụ này nhưng là quan võ trong khi cụ Cao Hữu Dực là quan văn. Nhưng ông tin, chiếc mũ cụ Thoại có hình dáng tương tự.

Cũng trong chuyến điền dã này, khi tìm đến lăng mộ vua Gia Long, ông được bảo vệ dẫn vào trong kho và cho xem một tượng đá đã mất phần thân. Bức tượng đá đặc biệt này được tạc từ khi xây dựng lăng. Ông tâm sự: “Tôi thật sự sung sướng vì qua xem xét, nhận thấy đây chính là bức tượng quan võ đội mũ hổ đầu”. Hơn cả bắt được vàng, với các tư liệu, hình ảnh có được, ông bắt tay thực hiện ngay. 

“Lần đan đầu tiên, ngay sau khi lấy ra khỏi khuôn chiếc mũ đã bị co rút lại do chất liệu lông đuôi ngựa bằng sừng, có tính đàn hồi. Sau đó, tôi quay ngược lại nghiên cứu và được biết, ngày xưa sau khi kết xong họ còn quét thêm một lớp sơn chánh kiến. Lúc biết rồi thì hỡi ôi. Vậy là phải bỏ đi, bắt đầu lại từ đầu”, ông nhớ lại, vẫn nguyên cảm giác tiếc nuối. Công trình kéo dài suốt 3 tháng “đổ mồ hôi, sôi con mắt”.  

Duyên nghề

Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc tên thật là Vũ Văn Giót, sinh năm 1957 tại xã Dỵ Chế, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Sinh ra trong một gia đình làm nông, sau giải phóng, ông vào TPHCM làm công tác thủy lợi. Rồi gia đình góp vốn kinh doanh vàng bạc, ông trở thành thợ kim hoàn. Ông tâm sự về cơ duyên đầu tiên: “Khi làm ở cửa hàng, có không ít người mang đến bán những trang sức lạ. Ban đầu, tôi chỉ xác định đó là công việc kinh doanh. Nhưng, khi đi sâu tìm hiểu kỹ hơn, tôi bắt đầu có ý thức sưu tầm, sau này viết thành sách. Vì mê quá nên tôi bỏ bê ngành vàng, chuyển sang nghiên cứu kim hoàn cổ tự lúc nào không hay”.

Năm 2007, ông phục chế chiếc mũ đầu tiên. Thời điểm đó, một nhà sưu tập tư nhân có tiếng nhờ ông phục chế mũ của Hoàng gia Chăm (thế kỷ thứ 7). Người này sau đó còn nhờ Bảo tàng Lịch sử TPHCM đứng ra thành lập hội đồng khoa học nghiệm thu và nhận được đánh giá cao. Cũng từ cơ duyên này, năm 2008, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, biết đến và mời ông phục chế 4 chiếc mũ của các vua triều Nguyễn đã hư hỏng nặng. Trước đó, năm 2006 phía bảo tàng đã nhận được tài liệu hiện vật gồm hàng ngàn chi tiết của những chiếc mũ này nhưng không thể tìm được người phục chế. Ông nhớ lại: “Ban đầu có nhiều ý kiến trái chiều. Một số muốn giữ lại nguyên hiện trạng ban đầu, không muốn làm mới. Quan điểm của tôi là, nếu giữ lại nguyên trạng, không thể làm được. Vì thực tế có chiếc mũ hơn 1.000 chi tiết, gồm cả các mảnh gãy. Khi hàn vá lại, buộc phải đụng đến lửa, không thể giữ những dấu vết cũ. Trình bày, bàn bạc với TS Phạm Quốc Quân, anh nhất trí phương án của tôi”.  

Dù có 2 cộng sự thân thiết là nghệ nhân kim hoàn Trần Ngọc Trí - từng cộng tác ở cửa hàng kinh doanh vàng bạc nhiều năm và thợ bạc Lê Văn Tuấn, nhưng theo nghệ nhân Kim Lộc, quá trình này “là cuộc chạy đua với thời gian”. Ông chia sẻ: “Phục chế được 4 mũ vua chỉ trong 1 năm là kỷ lục bởi vừa làm, vừa nghiên cứu kết hợp điền dã”.  

Sau những tất bật với việc phục chế, nghệ nhân Kim Lộc đang trau chuốt những công đoạn cuối cùng cho cuốn sách Mũ miện triều Nguyễn với nội dung về công việc nghiên cứu, phục chế và giới thiệu các loại mũ miện, đặc biệt là kỹ thuật đan kết mũ mã vĩ. Ông mong muốn, cuốn sách của mình sẽ mở ra cánh cửa cho những người muốn tìm hiểu, thực hành công việc này một cách bài bản, chính thống. Ông tâm niệm: “Tôi sẵn sàng truyền nghề cho những ai thực sự tâm huyết”. Và, nếu sức khỏe còn cho phép, ông tiếp tục thực hiện ước mơ nghiên cứu, phục chế mũ của các hậu phi và các loại mũ thờ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, mọi thứ với ông vẹn nguyên như ngày hôm qua. Không được đào tạo bài bản về phục chế, thành quả của ông đều là sự tự học, tự mày mò, nghiên cứu. Và trên hết, đó là niềm đam mê bởi theo ông làm nghề này, đừng mong giàu có.

Tin cùng chuyên mục