Theo kế hoạch, ngày 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Từ những kết quả đạt được, yêu cầu đặt ra là cần nhận diện rõ đâu là “điểm sáng, mảng tối” để quá trình triển khai nghị quyết tới đây đạt kết quả tốt hơn.
Thực tế đã chứng minh, Nghị quyết 120 là quyết sách sống còn, thể hiện tầm nhìn dài hạn, tư duy kiến tạo phát triển vùng ĐBSCL. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, vùng ĐBSCL đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Đó không chỉ là những gam màu sáng trong bức tranh giao thông với các công trình cầu vượt sông lớn, trục dọc, đường ngang được đầu tư, hoàn thành hay khởi công mới, hay bộ mặt đô thị một số nơi mang dáng vẻ khá hơn… mà quan trọng là những bước đi đầu tiên của sự chuyển đổi mô hình theo hướng chủ động thích ứng, thuận thiên.
Các địa phương trong vùng đã bị thôi thúc hơn trước yêu cầu tăng cường liên kết, phối hợp. Ranh giới hành chính tỉnh thành không còn là trở ngại chính trong các vấn đề phối hợp, liên vùng, như ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, đầu tư phát triển; khai thác “tài sản dùng chung” như hạ tầng giao thông, tài nguyên nước, nguồn nhân lực… Sự chuyển hướng không còn nằm trong câu chữ văn bản của nghị quyết hay quanh quẩn trong khu vực công, mà đã lan tỏa trong khu vực tư. Nhiều nông dân ĐBSCL đã chuyển từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến thị trường; ứng dụng công nghệ, đưa hàm lượng chất xám vào nông sản ngày càng nhiều hơn. Không khó để nhận thấy, nông dân ĐBSCL đã nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng smartphone, kinh tế số vào đồng ruộng, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020; qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, riêng thiệt hại về diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn 2015-2016.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, ĐBSCL vẫn đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, mà chỉ có quan điểm, mục tiêu, định hướng, tầm nhìn và tư duy phát triển nêu trong nghị quyết thôi chưa thể mang lại kết quả như mong muốn. Vẫn còn đó nhiều bài toán khó cần lời giải. Sự sụt giảm chưa từng có của tài nguyên nước sông Mê Công đang tác động nghiêm trọng, đe dọa tương lai nền kinh tế nông nghiệp, thủy sản của khu vực Tây Nam bộ. ĐBSCL vẫn là vùng trũng về hạ tầng giao thông và nhân lực. Thách thức từ hạn mặn, sạt lở, sụp lún, ngập đô thị… rồi hàng triệu người đồng bằng bỏ xứ ra đi, đang gây nhiều bức xúc. Ngay cả những thành tích đã qua như hệ thống hạ tầng thủy lợi, sản lượng lúa tăng kỷ lục, sự phát triển nhanh của các hoạt động kinh tế cũng đang trở thành thách thức cho tư duy thuận thiên. Vấn đề ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, việc đầu tư mới các nhà máy nhiệt điện than trong vùng gây lo ngại, hay chọn nguồn năng lượng sạch thay thế… vẫn còn đang lảng vảng bóng dáng của mô hình phát triển cũ.
Những điểm sáng đáng mừng từ các mô hình sản xuất thích ứng của nông dân vẫn còn đó nhiều thách thức. Đó là năng lực cạnh tranh còn nhiều yếu kém của ngành, sản phẩm nông nghiệp, về hạ tầng giao thông, logistics; trong khi yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng cao hơn. Tư duy thuận thiên cần được nâng tầm lên với quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa, bằng cách thức tổ chức khoa học và huy động nguồn lực vật chất, tinh thần nhiều hơn nữa cho phát triển vùng thì mới mong vượt qua thách thức, phát triển bền vững vùng.
Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm, đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời cơ. Nghị quyết 120 mang tính soi đường, nhưng đi được đến đâu, khi nào đến, bằng phương tiện nào…, vẫn đang tiếp tục chờ kết quả hiện thực bằng hành động thực tiễn.