Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi sáng 22-3, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (VH-GD) Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD Nguyễn Đắc Vinh nhận định, thực tế, rất khó xác định phim có yếu tố quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tiễn, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

“Trên thực tế, rất khó xác định phim có yếu tố quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng. Do vậy, xin được tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng”, người đứng đầu Ủy ban VH-GD nói.

Ông cũng cho biết thêm, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Vẫn theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo luật được chỉnh lý, bổ sung quy định Bộ VH-TT-DL tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật Điện ảnh được ban hành.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự luật bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo với Bộ VH-TT-DL để kiểm soát.

“Tổ chức, cá nhân phổ biến phim lên mạng phải gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng mạng chỉ có thể ngăn chặn, không gỡ bỏ phim vi phạm được. Luật cũng bổ sung quy định về thời gian gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật trong dự thảo luật”.

Một vấn đề khác hiện cũng còn ý kiến khác nhau, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, là về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo luật vì quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù Luật Điện ảnh năm 2006 có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được, do chưa xác định được nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị duy trì quỹ này.

 Cơ quan thẩm tra thiên về phương án không quy định quỹ như luật hiện hành mà có chính sách khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Tin cùng chuyên mục