Trước việc chuẩn bị tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, ngày 19-10, Bộ Y tế đã có buổi trao đổi, cung cấp thông tin cho rằng việc tăng giá nằm trong chủ trương của Đảng, Chính phủ tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công. Hiện Bộ Y tế đang trình dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc và sớm có hiệu lực trong tháng 11 tới.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho BV, mà quan trọng hơn cả nó là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho BV. “Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhưng hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố trực tiếp”, ông Liên cho biết. Cũng theo ông Liên, tăng giá dịch vụ y tế trước mắt chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT, để cơ quan BHYT thanh toán cho BV.
Vậy việc tăng giá 1.800 dịch y tế có tác động đến người bệnh? Theo ông Nguyễn Nam Liên, người bệnh nói chung không phải chi trả thêm một chi phí nào mà trước đây chưa câu kết vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. Với việc tăng giá lần này chỉ áp dụng cho đối tượng có thẻ BHYT nên người chưa có thẻ BHYT trước mắt chưa áp dụng, không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với người có thẻ BHYT bị tác động theo các nhóm khác nhau. Đối với người nghèo, hưởng chính sách được hưởng lợi là được thanh toán BHYT 100%. Đối với người cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT (hiện đã có 40% có BHYT) và được thanh toán 95% khi đi khám chữa bệnh (chỉ đồng chi trả 5%).
Tuy nhiên, đối với người có thẻ BHYT nhưng phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh thì bị ảnh hưởng, phải trả thêm một khoản chi phí. Giả dụ nếu chi phí đặt stent cho tim trước đây là 50 triệu đồng/ca, người bệnh đồng chi trả 20% (tức 10 triệu đồng). Nhưng nay giá dịch vụ tăng, chi phí một lần đặt stent tim có thể tăng lên 80 - 100 triệu đồng, thì đồng chi trả 20% sẽ đội chi phí lên khá lớn. Đây thực sự là một khó khăn cho những người có BHYT nhưng vẫn đồng chi trả với tỷ lệ lớn.
LÂM TƯỜNG