Tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm thực hiện chính sách dự bị động viên

Chiều 11-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Theo Thứ trưởng Phan Văn Giang, dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 Chương, 47 Điều. Dự thảo quy định nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, các hành vi bị nghiêm cấm; kế hoạch xây dựng, kế hoạch huy động, kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; xây dựng lực lượng và huy động lực lượng dự bị động viên. Chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên cũng đã được thể chế hoá trong bản dự thảo.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật và tác động thủ tục hành chính, trong đó cần làm rõ hơn tác động về kinh tế, xã hội trong huấn luyện dự bị động viên và khi huy động lực lượng dự bị động viên thực hiện nhiệm vụ; báo cáo cụ thể hơn việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

“Có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về việc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên; đồng thời cung cấp thêm thông tin về pháp luật của nước ngoài có liên quan để nghiên cứu, cho ý kiến. Một số ý kiến đề nghị bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật, nhất là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Võ Trọng Việt lưu ý.
Một số vấn đề khác được cũng được cơ quan thẩm tra yêu cầu cân nhắc thêm. Như việc quân nhân dự bị làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (nhất là trong các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân) khi huy động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ, tạo sự không bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, làm giảm thu nhập, thậm chí làm mất cơ hội có việc làm của người được huy động, trong khi Điều 44 chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nên thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, việc huy động phương tiện kỹ thuật cho đơn vị quân đội phải thực hiện theo Điều 32 Hiến pháp và các quy định có liên quan của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Quốc phòng, Bộ luật dân sự. Do đó, cần quy định cụ thể để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản phải phải huy động và người không phải huy động…


Vẫn theo ông Võ Trọng Việt, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu việc quy định độ tuổi sắp xếp cao nhất cho phù hợp với quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị để địa phương chủ động trong việc bố trí nguồn; đồng thời, thống nhất với Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự.

Góp ý về nội dung dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ về nguồn lực cần có để đảm bảo thực hiện các quy định trong dự thảo. “Con số 545 tỷ đồng một năm đã được tính kỹ chưa, tôi e là không đủ”, ông Hiển thẳng thắn nhận xét và đề nghị Bộ Quốc phòng xác định cụ thể, đầy đủ chế độ luyện tập, phụ cấp, chi phí xây dựng doanh trại, huấn luyện, vũ khí thiết bị… cho lực lượng này và đánh giá tác động đến ngân sách. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng gợi ý nên tận dụng lực lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Theo ông Phùng Quốc Hiển, ngay khi sinh viên ra trường có thể lựa chọn ngay một số để biên chế vào lực lượng dự bị động viên. Đồng ý với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, ông Hiển đề nghị trao thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên cho cấp tỉnh (thay vì cấp huyện như đề nghị của Chính phủ).

Tin cùng chuyên mục