Tăng sản xuất hàng hóa thiết yếu

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm đã tăng sức sản xuất lên nhiều lần nhằm đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng.
Chế biến thực phẩm tại Xí nghiệp Nam Phong. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến thực phẩm tại Xí nghiệp Nam Phong. Ảnh: CAO THĂNG

Dồn sức cho thị trường trong nước

Trước thực tế nhiều người dân đổ xô mua hàng thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết nhiều DN trong lĩnh vực đã chủ động phản ứng nhanh bằng cách gia tăng sản xuất. Trước mắt, nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời điểm hiện tại đã được sản xuất tăng thêm 30% - 50% so với lượng thực hiện cùng kỳ, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố đến hết quý 2-2020.

Đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food - chuyên sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản chế biến, hải sản đông lạnh, cháo tươi… - cho biết, đơn vị đã tăng công suất sản xuất lên 30 tấn/một ngày. Riêng lượng hàng trong kho đến hết tháng 3 còn 590 tấn. Còn với mặt hàng mì tôm, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẳng định, năng lực sản xuất của công ty có thể tăng hơn 30% so với bình thường. Hiện công ty vẫn sản xuất ổn định với công suất mỗi ngày đạt 860 tấn. Sản lượng đến 15-4 là 10.300 tấn và đến hết tháng 4 đạt 20.500 tấn. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của công ty tính đến hết ngày 31-3 là 1.600 tấn, đủ đáp ứng 15% nhu cầu tiêu thụ của thị trường thành phố và 85% nhu cầu cả nước. 

Với mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, các DN cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú. Đơn cử, Công ty cổ phần Ba Huân hiện đang sản xuất 2 - 3 ca/ngày với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm, tăng 100% so với trước đây. Riêng trứng gia cầm, công ty cam kết cung ứng đầy đủ với sản lượng tại miền Nam đạt một triệu trứng/ngày, tăng độ phủ trên diện rộng và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tại Công ty San Hà, nguồn cung cũng dồi dào và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định đến hết năm 2020. 

Đối với mặt hàng lương thực như gạo, hiện tại dù giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhưng các DN vẫn duy trì giá bán ổn định, với sản lượng sản xuất tháng 4-2020 ước đạt 4 triệu tấn gạo, lượng gạo tồn kho lớn - đạt gần 1,6 triệu tấn (chưa kể lượng gạo tồn kho của một số thương nhân nhỏ chưa báo cáo và lượng gạo tồn trong dân). Nhiều DN khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu gạo, lượng gạo không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước đến 2021, mà còn có thể phục vụ xuất khẩu với lượng tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Không dừng ở những DN chuyên sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa, nhiều DN sản xuất lương thực thực phẩm chuyên cho các thị trường xuất khẩu cũng đã tạm ngưng nhận các đơn hàng xuất khẩu để tập trung cung ứng cho thị trường trong nước. Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cho biết, công ty hiện đã tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300% so với trước.

Mong được tiếp sức 

Hiện để chủ động trong hoạt động sản xuất, tránh bị gián đoạn do thiếu nguồn cung nguyên liệu, nhiều DN đã liên kết, chia sẻ nguồn nguyên liệu. Đặc biệt, nhiều DN sản xuất nguyên liệu đã từ chối đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên cung ứng cho DN sản xuất trong nước. Bà Lý Kim Chi đánh giá, chưa bao giờ tính liên kết giữa các DN trong nước lại chặt chẽ như hiện nay. Mặt khác, nước ta là nước nông nghiệp nên nguồn cung nguyên liệu sản xuất rất dồi dào, chỉ số ít tỷ lệ tinh nguyên liệu phải nhập khẩu. Tuy nhiên cũng phải nói, vào năm 2019, sau khi Chính phủ áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, nhiều DN sản xuất nguyên liệu ngành chế biến lương thực phẩm với quy mô lớn đã gia nhập thị trường trong nước, lượng nguyên liệu nhập khẩu nhờ vậy cũng đã giảm đáng kể. 

Có thể thấy, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước đã giúp các DN phát huy rất tốt khả năng chủ động sản xuất, cung ứng, bình ổn giá cho thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều DN cũng tỏ ra lo lắng khi sức mua tăng mạnh ở một số mặt hàng và ở một số bộ phận người dân, còn lại những nguồn tiêu thụ lớn như nhà hàng, khách sạn lại giảm mạnh, kéo theo doanh thu chung của DN giảm.

Những khó khăn mà DN đang phải đối mặt cũng rất lớn. Đơn cử, trong thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu trong nước có xu hướng tăng cao, cộng với sự chênh lệch do biến động tỷ giá đối với nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng dự trữ nguyên liệu và thành phẩm của DN. Nhiều DN có doanh số giảm nhưng vẫn phải trả các chi phí cố định như lương, các khoản bảo hiểm cho người lao động. Hơn nữa, những chi phí phục vụ cho việc vệ sinh, sát khuẩn, tăng cường các biện pháp ứng phó phòng dịch Covid-19 như khẩu trang, cồn, xà phòng, hóa chất sát khuẩn nhà máy, xe vận chuyển hàng… cũng tăng thêm gấp 30 lần so với ngày thường, nên khó duy trì hoạt động sản xuất nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài.

Để duy trì sản xuất, các DN nói chung và DN chế biến lương thực thực phẩm nói riêng cho rằng rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm chi phí y tế, vệ sinh, sát khuẩn, an ninh... Các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhanh chính sách hỗ trợ như miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay, bổ sung thêm vốn vay lưu động cho DN... Từ đó, tạo cơ sở để DN bổ sung nguồn vốn nhằm tăng tỷ lệ dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm. Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ DN, nhưng quy trình thủ tục để những hỗ trợ này đến được DN còn rất chậm.

Tin cùng chuyên mục