Dự kiến, tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Với con số này, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Điểm sáng quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu tăng, xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Bộ KH-ĐT cũng đưa ra kịch bản GDP năm 2021 phấn đấu tăng khoảng 6%-6,5%; CPI bình quân khoảng 4%.
Những tháng gần đây, Chính phủ xác định tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô 9 tháng cơ bản duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi; công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng… Tuy nhiên, tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 2 đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống, sản xuất dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản.
Đến thời điểm này, có thể nói cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cần phải tăng tốc hơn nữa trong quý 4 mới có thể bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất trong năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn cho năm 2021. Trong đó, một trong nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong 3 tháng cuối năm là giải ngân vốn đầu tư công. Bởi việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến hệ quả trực tiếp là tạo nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng. Việc các dự án bị chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác, ảnh hưởng huy động vốn xã hội.
Vừa qua, các đoàn công tác do chính Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ dẫn đầu đã kiểm tra, đốc thúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại các bộ, ngành, địa phương. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ GTVT đã được giải quyết. Ngày 30-9, chúng ta đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Do đó, trong 3 tháng cuối năm, cần tiếp tục giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là các dự án nào chậm phải bị điều chuyển vốn, ưu tiên vốn cho các dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ, góp phần vào tăng trưởng GDP.
Song song đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Một vấn đề quan trọng không kém để bảo đảm “tăng tốc” hiệu quả là tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành quản lý. Điều này nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất, xử lý, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng.
Chúng ta nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, do đó, các cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế trong những tháng còn lại là điều hết sức quan trọng hiện nay.