Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em

Trẻ em giữ vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” đã trở thành tôn chỉ, hành động thiết thực của từng quốc gia. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em năm 1990. Từ cột mốc đó đến nay, nước ta đã có nhiều chính sách, chương trình chăm lo, tạo mọi điều kiện cho trẻ em tiếp cận các dịch vụ xã hội, thụ hưởng đầy đủ quyền cơ bản của trẻ em về mọi mặt.

Bên cạnh đó, nhờ chủ trương xã hội hóa hoạt động chăm lo cho trẻ em, các địa phương đã huy động được nguồn lực lớn của cộng đồng, tạo cơ hội chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo… Tuy nhiên, dù bức tranh chung về chăm sóc trẻ em đã được cải thiện, nhiều màu sáng nhưng nó vẫn còn không ít gam tối, mảng khuất khiến chúng ta day dứt, trăn trở.

Theo Bộ LĐTB-XH, hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, khuyết tật, lang thang, nhiễm chất độc hóa học…) và gần 5 triệu em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như bị buôn bán, bắt cóc, ngược đãi, bạo hành, xâm hại tình dục, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, bị thương tích… Chẳng những không được hưởng quyền cơ bản được học hành, vui chơi, giải trí, các em còn phải vào đời sớm, lang thang trên đường phố để mưu sinh hoặc làm thuê, bị bóc lột, lạm dụng sức lao động.

Thật đau lòng khi chứng kiến những đứa trẻ ở tuổi biết ăn, biết ngủ nhưng phải thức khuya dậy sớm đi bán vé số, làm việc cật lực trong các cơ sở sản xuất, dịch vụ với tiền công giá bèo, bị chủ ngược đãi, hành hạ dã man như báo chí liên tục phản ánh gần đây. Những câu chuyện đau lòng về bé Hào Anh làm thuê ở trại tôm giống (Cà Mau) hay là chuyện của các bé gái làm nghề giúp việc nhà ở TPHCM, Hà Nội bị ngược đãi, xâm hại thân thể… là những cái gai nhức nhối lương tâm mọi người. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hành động thiết thực để hạn chế đến mức thấp nhất hình ảnh trẻ em bị ngược đãi, đối xử bất công.

Một vấn đề khác, dù nhà nước và các cấp chính quyền đã quan tâm, dành nguồn ngân sách khá lớn để xây dựng môi trường sống an toàn, điểm vui chơi lành mạnh cho trẻ em nhưng trên thực tế, cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ xã hội chưa đồng đều và còn thiếu bình đẳng trong cả nước. Ở các đô thị lớn, trẻ em có điều kiện thụ hưởng các quyền trẻ em tốt hơn trẻ em ở thôn quê, nhất là vùng sâu vùng xa. Vì thiếu sân chơi lẫn môi trường sống an toàn nên các em dễ gặp rủi ro, tai nạn dẫn đến tử vong như nhiều trường hợp bị chết đuối, bị tai nạn về điện, tai nạn đến trường…

Từ những bức xúc của dư luận và thực tế nêu trên, năm nay Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em” nhắc nhở chúng ta, từ các nhà quản lý đến gia đình, nhà trường và xã hội phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức để có hành động thiết thực chăm sóc, bảo vệ thế hệ mầm non của đất nước. Chính sự vô cảm, bất công đã đẩy những thiên thần bé nhỏ rơi vào bàn tay của sự độc ác, xấu xa và không được bảo vệ, thụ hưởng quyền của mình. Như thế, hành động của chúng ta là mở rộng nhịp cầu yêu thương, vòng tay bảo vệ ấm áp, an toàn để các em có cơ hội phát triển bình đẳng, trở thành nguồn lực vững chãi cho thế giới ngày mai.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục