Tạo đà “về đích” sớm

Dù mới đi được hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ này, nhưng công tác lập pháp đang trong chặng “về đích”, hoàn thành khoảng 90% nhiệm vụ đề ra cho cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Gọt giũa đến tận “phút bù giờ”

Chỉ 2 tuần sau khi đón năm mới 2024, kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc, trong đó nội dung trọng tâm là xem xét, thông qua 2 dự án luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đây là 2 dự án luật lẽ ra được thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo kế hoạch, nhưng Quốc hội đã quyết định lùi lại để tiếp tục hoàn thiện, nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao nhất. Khắt khe như thế về chất lượng, nhưng tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành hơn 1.000 văn bản, gồm hơn 30 luật và hơn 100 nghị quyết của Quốc hội. Tính ra, công tác lập pháp đang trong chặng “về đích”, hoàn thành khoảng 90% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.

Không chỉ “xây mới”, trong nhiệm kỳ này, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành rà soát hơn 500 văn bản, trong đó có gần 70 luật, 2 pháp lệnh, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Kết quả rà soát cho thấy hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu và ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ hơn.

Đặc biệt, 70% số lượng văn bản phát hiện có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội sắp sửa đổi, xem xét thông qua. Chỉ có 30% số lượng vấn đề phát hiện có bất cập, vướng mắc, chồng chéo chưa có trong kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và kế hoạch 81 của UBTVQH để thực hiện kết luận 19, đã được giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Để đạt được những thành tựu đáng kể đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thường xuyên quán triệt. Ngay từ giữa năm 2021, hơn 1 năm trước khi dự án Luật Đất đai sửa đổi được thảo luận lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ TN-MT, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật để nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai.

UBTVQH đã yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng hoạt động và tiến độ thời gian từ khâu thẩm tra cho đến khi Quốc hội biểu quyết thông qua; chỉ đạo phân công các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra về nội dung của dự án thuộc phạm vi lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách và đặc biệt đã tổ chức một đợt tổ chức lấy ý kiến nhân dân sâu rộng đối với dự thảo luật, thu thập hơn 12 triệu ý kiến.

a3d-3327.jpg
Sản xuất tại Công ty Nissei Electric ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện luật sau đó, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã luôn có sự phối hợp, đồng hành với nhau ở mọi cấp, kể cả cấp lãnh đạo cao nhất của Quốc hội và Chính phủ. Cho đến nay, trước thềm kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, được gọi vui là “những phút bù giờ”, dự án Luật Đất đai sửa đổi (cùng với dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi) vẫn đang được các cơ quan có liên quan tiếp tục gọt giũa, hoàn thiện để đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao nhất.

Không “đẩy” cái khó cho người dân, doanh nghiệp

Tuy nhiên, không chỉ thiết kế khuôn khổ pháp luật cho trung, dài hạn, một đặc điểm không thể không nhắc đến trong công tác lập pháp là tính kịp thời, ứng biến, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong từng nhịp đập thời cuộc.

Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.

Quốc hội cũng đã cho phép thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố, trong đó không thể không nhắc đến Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, kịp thời giải tỏa nhiều điểm nghẽn cho “đầu tàu tăng trưởng” của cả nước.

Nếu như chuẩn bị từ sớm, từ xa là phương châm có ý nghĩa chiến lược, thì trong kỹ thuật lập pháp, nguyên tắc “không vì dễ cho cơ quan quản lý mà đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp” đã được người đứng đầu Quốc hội thường xuyên nhắc nhở.

Đơn cử, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), mặc dù rất bức thiết, do có tác động trực tiếp đến cuộc đấu tranh phòng chống ma túy đang hết sức cam go hiện nay, song đồng thời cũng liên quan chặt chẽ đến sản xuất tiêu dùng, đặc biệt là có nhiều vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN… nên ngay từ đầu cần phải xin ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ, nhất là ý kiến của những cơ quan đại diện cho người sản xuất và người tiêu dùng; tránh được những quy định làm khó cho doanh nghiệp và người dân.

Tương tự, với Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là đối với nông sản, không thể vì gian lận ở một bộ phận mà loại trừ hàng loạt mặt hàng, nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT.

Với việc UBTVQH vừa quyết định bổ sung 4 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, năm 2024, sẽ có hơn 20 đạo luật cần được xem xét, thông qua. Khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dù đã có một năm lấy đà khá thành công, nhiệm vụ đầy thách thức của năm tới chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp với sự phối hợp nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao của tất cả các cơ quan có liên quan theo đúng tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, khẩn trương nhưng không nhân nhượng về chất lượng.

Tin cùng chuyên mục