Tạo điều kiện làm việc cho người cao tuổi

Có dịp đến tham quan Nhật Bản, du khách sẽ rất ấn tượng khi đến đâu cũng bắt gặp những hình ảnh những người cao tuổi hăng say làm việc. 

Tại sân bay, những người kiểm tra giấy tờ và hướng dẫn du khách làm thủ tục nhập cảnh chính là các ông bà lão tóc bạc phơ. Đi trên đường phố, dễ dàng nhìn thấy những điều phối viên là người cao tuổi mặc đồng phục, ân cần hướng dẫn đường cho du khách.

Tại khách sạn, quán ăn, siêu thị, chùa cũng thấy nhiều người cao tuổi tận tụy với công việc, như pha chế, thu ngân, bán hàng, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh. Đi taxi, cũng thấy có các bác tài là người có tuổi.

Thậm chí khi lên đến trạm số 5 của núi Phú Sĩ, du khách cũng ngạc nhiên và cảm động khi thấy các cụ nhân viên mặc áo chống lạnh, đứng trực giữa trời mù sương, giá rét với phong thái nhanh nhẹn, cây gậy điều động, thoăn thoắt, hướng dẫn xe cộ và khách tham quan di chuyển để tránh ùn tắc. 

Nhật Bản không chỉ là nước có bình quân tuổi thọ cao nhất thế giới, mà còn là nước có nhiều người cao tuổi chăm chỉ lao động. Tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản là  83,7 tuổi (nam 80,5 tuổi; nữ 86,8 tuổi). Tuổi nghỉ hưu trung bình của người Nhật là 62 tuổi, và trong tương lai gần, họ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 68 tuổi.

Chính phủ Nhật đã chọn lọc ưu tiên một số việc nhẹ nhàng, phù hợp tuổi tác dành cho người già. Ở nước ta, trong điều kiện mức sống ngày càng cải thiện, điều kiện chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn, sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng dân số ngày càng tăng. Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam hiện nay là 73,5 tuổi (nam 70,9 tuổi; nữ 79,2 tuổi). Mặt khác, thế hệ lao động vàng Việt Nam đang dịch chuyển theo xu hướng già hóa. Vì thế, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là rất hợp lý.

Song song đó, Nhà nước cần có chính sách phù hợp hỗ trợ những người cao tuổi có công việc, không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, được sống vui, sống khỏe, sống có ích, mà còn phát huy kiến thức, kinh nghiệm của họ cho xã hội, cho đất nước. Nhiều người cao tuổi vẫn mong muốn có việc làm vừa để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa chứng tỏ mình vẫn còn hữu dụng trong xã hội. 

“Gừng càng già càng cay”, những người lao động trí óc có thể tiếp tục truyền kinh nghiệm, tri thức cho thế hệ trẻ thông qua tập huấn hay viết sách báo... Nhà giáo có thể tiếp tục giảng dạy, truyền bá kiến thức cho học sinh. Luật sư làm công việc tư vấn pháp lý. Nhà khoa học tiếp tục các công trình nghiên cứu, viết sách hay hướng dẫn sinh viên. Nghệ sĩ hay vận động viên lui về làm đạo diễn, huấn luyện viên. Những người thợ tinh xảo thì đào tạo truyền nghề. Nếu còn sức khỏe có thể tham gia công việc bảo vệ, quản lý cửa hàng, hay tưới cây, làm vườn…

Theo Bộ LĐTB-XH, thời gian qua đã có một số chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động, nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung một số đối tượng. Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp tục làm việc. Có như vậy, đất nước sẽ tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, khai thác thêm nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm quý báu. Còn được làm việc là còn hạnh phúc! Điều này không đơn thuần là tạo công ăn việc làm mà còn là vấn đề mang tính nhân văn, phù hợp với sự phát triển chung của toàn nhân loại.

Tin cùng chuyên mục