Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là lực lượng hải quân, cảnh sát biển, phòng không - không quân, biên phòng theo dõi, nắm chắc tình hình; kịp thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư các phương án đấu tranh phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Đặc biệt, trước hành động xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 (HDĐC-8), Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức giao nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh bổ sung văn kiện tác chiến, kế hoạch hiệp đồng, phương án đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các lực lượng; phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức các đoàn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên thực địa; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với việc đấu tranh trên thực địa, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngoại giao ở các cấp; rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực, tàu thuyền, phương tiện góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian tới, hội nghị thống nhất đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; tham mưu với Đảng, Nhà nước đầu tư cho sản xuất quốc phòng; đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng thủ, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.