Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2008

Tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô và kiềm chế tăng giá

Trong hai ngày 27 và 28-2, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2-2008. Đúng như dự đoán, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, cùng với cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 28-2 đã nóng lên vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, khi mà hiện nay, mặt bằng giá cả đang tăng quá cao.

  • Điều hành chính sách tiền tệ: Có vấn đề

"Nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, chúng ta có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn", đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp này, khi các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 và hai tháng đầu năm tăng cao (cả 2 tháng đã tăng tới 6,02%).

Nguyên nhân khiến CPI tăng cao được Chính phủ nhìn nhận là do nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng nền kinh tế toàn cầu, vì vậy khi giá cả trên thế giới tăng (giá dầu, giá vàng...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu của nền kinh tế Việt Nam. "Chúng ta không có cách nào khác", Thủ tướng nói. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan khiến CPI tăng cao, theo Thủ tướng Chính phủ là do công tác điều hành chính sách tiền tệ còn bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp, kịp thời với sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, với tình hình chung của toàn cầu, Chính phủ nhận định không chỉ tháng 2, mà có thể nhiều tháng sau, chúng ta sẽ không kiểm soát được CPI.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, CPI tăng cao là điều nằm ngoài mong muốn của Chính phủ, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô cũng như đời sống người dân. Sẽ có nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Chính phủ hiện nay đang đau đầu và tìm mọi phương án để bảo đảm mục tiêu: đạt tốc độ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, không để đảo lộn kinh tế vĩ mô và không để sốt giá. Hiện tại, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, vẫn cố gắng thực hiện chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Chính phủ đang bàn và cũng đã có kịch bản để điều hành nhằm đạt tới mục tiêu đó.  

Tuy nhiên, ông Ninh thừa nhận, khả năng đạt tới mục tiêu "tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng" trong điều kiện thế giới đầy biến động hiện nay là rất khó. Chính phủ chỉ có thể cố gắng để tốc độ tăng giá càng thấp càng tốt.

  • Đặc biệt chú ý lĩnh vực bất động sản và chứng khoán

Một vấn đề mà dư luận đặt ra, đó là có hay không sai lầm trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ trong thời gian qua. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không có sai lầm. Mà bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ có nguyên nhân từ công tác dự báo của chúng ta chưa chuẩn. Cụ thể nhất là dự báo về giá cả thế giới, về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… (đều thấp hơn so với thực tế). Vì dự báo thấp nên dự báo tăng trưởng tín dụng, dự báo về tăng tổng số tiền thanh toán đều chưa tốt, dẫn đến bị động trong điều hành chính sách tiền tệ, thể hiện rõ nhất là trong những tháng cuối năm 2007.

 Bộ Công thương vừa có cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tăng giá điện áp dụng từ 1-7 tới. Phương án tăng giá bán lẻ bình quân mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất lên mức 917 đồng/kWh.

Tuy nhiên, hôm qua, 28-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đây mới chỉ là phương án của tập đoàn, liên bộ chưa bàn tới việc này. "Tăng lên bao nhiêu phải có phương án, tính toán và khảo sát kỹ lưỡng. Theo tôi, ít nhất phải đến cuối năm 2008, Chính phủ mới bàn đến việc tăng giá điện".

Trong 2 tháng đầu năm 2008, tuy Chính phủ đã điều hành chặt chẽ hơn, linh hoạt hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, bằng mọi giá chúng ta phải kiểm soát được tổng số tiền thanh toán và dư nợ tín dụng, đặc biệt là dư nợ vào những nơi không hiệu quả. "Nếu chúng ta điều hành không tốt thì lạm phát sẽ tăng và sẽ triệt tiêu động lực tăng trưởng. Vì vậy, việc điều hành phải kiên quyết linh hoạt, nhịp nhàng, phối kết hợp các cơ quan với nhau. Trong đó, đặc biệt chú ý đến 2 lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán", ông Ninh nói.

Bởi vậy, về việc điều hành thị trường tiền tệ và chứng khoán, cần cân nhắc việc bắt buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước vào một thời điểm thích hợp để tránh tác động "sốc" đến thị trường; đồng thời điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tránh tập trung nhiều biện pháp cùng lúc, ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư.

Mặt khác, triển khai cho vay kinh doanh chứng khoán với mức hợp lý theo nguyên tắc đảm bảo an toàn; kiểm soát cho vay đầu tư bất động sản, tiếp tục cho vay đầu tư bất động sản lành mạnh tạo điều kiện cung hàng hóa, phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể, đối với cho vay chứng khoán, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo là tiếp tục cho vay chứng khoán trong phạm vi chính sách mà ngân hàng đã công bố. Hiện nay dư nợ tín dụng đối với chứng khoán trong phạm vi cho phép vẫn còn dư 9.000 tỷ đồng. Nếu nhu cầu lành mạnh thì vẫn có thể xem xét cho vay.

  • 5 giải pháp để ổn định nền kinh tế

Trước tình hình này, kết luận phiên họp hôm qua, theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ ra 5 trọng tâm công tác của thời gian tới mà trước mắt, tập trung điều hành, thực hiện ngay trong tháng 3. Thứ nhất, phải tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường, áp dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định; đảm bảo cân đối hàng hóa thiết yếu. Làm sao để tăng trưởng cao nhưng lạm phát không được cao hơn năm 2007. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không thể không điều chỉnh giá xăng dầu vì ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ quá lớn (11.000 tỷ đồng) như thời gian vừa qua. Song đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị lũ lụt hay ngành đánh bắt cá xa bờ, Chính phủ thực hiện hỗ trợ trực tiếp để nhân dân giảm bớt khó khăn. Chính phủ sẽ dùng nguồn mà lẽ ra phải bù lỗ xăng dầu để hỗ trợ nhân dân vùng khó khăn.

Thứ hai, tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh ngành công nông nghiệp, dịch vụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, không có biện pháp nào tốt hơn việc hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Sau đợt rét đậm rét hại, Bộ NN-PTNT phải bằng mọi cách giúp bà con nông dân cấy đúng thời hạn vụ Đông Xuân, khôi phục nhanh chóng đàn trâu, bò, gia súc.

Thứ ba, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là giải ngân vốn trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện - ưu tiên các công trình có khả năng triển khai tốt; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để thu hút mạnh đầu tư cả trong và ngoài nước.

Thứ tư, tập trung nâng cao đời sống, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, tăng huy động các nguồn vốn cho các đối tượng nghèo, cận nghèo vay để học, quản lý chặt việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%. Thứ năm, quyết liệt trong việc cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ngoài ra, để bảo đảm kiềm chế tăng giá, Chính phủ sẽ rà soát lại chi ngân sách quốc gia để tiết kiệm công quỹ. Các công trình kém hiệu quả sẽ được xem xét lại đầu tư. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện tiết kiệm triệt để. Quan điểm của Chính phủ là điều hành quyết liệt, không thả nổi. Chính phủ cũng kêu gọi nhân dân đồng sức đồng lòng với Chính phủ để vượt qua thời kỳ khó khăn này

Quang Phương

Tin cùng chuyên mục