Tập trung ứng phó bão số 4

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cơn bão số 4 (Bebinca) có đĩa mây rất rộng, sẽ đổ bộ Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào ngày 17-8, gây mưa rất lớn. 
Sạt lở mùa lũ đang là nỗi lo của các tỉnh ĐBSCL
Sạt lở mùa lũ đang là nỗi lo của các tỉnh ĐBSCL

Ngày 17-8 bão cập bờ

Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vào chiều 15-8 tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Cường cho biết, từ ngày 16-8, bão số 4 sẽ vào vịnh Bắc bộ. Mô hình dự báo của các nước cho thấy bão di chuyển theo hướng Tây, rồi chuyển hướng sang Tây Tây Nam. Khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão hoạt động ở cấp 9. Đến rạng sáng 17-8, bão có khả năng giảm xuống cấp 8, giật cấp 10-11, cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ đến Bắc Trung bộ. 

Chiều 15-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia phát bản tin báo bão khẩn cấp. Theo đó, vào 16 giờ ngày 15-8, tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ vĩ Bắc - 111,1 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và chỉ còn cách Móng Cái - Quảng Ninh 350km, cách Thái Bình 500km, cách TP Vinh - Nghệ An 630km. Bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Nơi tâm bão đổ bộ có thể từ Hải Phòng đến Nghệ An. 

 Từ đêm 16-8 đến hết ngày 17-8, bão gây mưa dồn dập ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, trọng điểm ở Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Lượng mưa phổ biến 250-300mm. Do đó, nhiều nơi được báo động đỏ trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá. Hà Nội cũng có thể tái diễn ngập úng ở huyện Chương Mỹ khi nước sông Bùi lên mức báo động số 2-3… Sau khi gây mưa lớn ở miền Bắc, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4 và hoàn lưu còn gây mưa ở khu vực Trung Lào. 

Bão nhỏ, thiệt hại có thể lớn

Trong 6 ngày qua khi có áp thấp hoạt động, lực lượng biên phòng và Tổng cục Thủy sản đã thông báo cho ngư dân, tuy nhiên từ sáng 16-8, lực lượng kiểm ngư, biên phòng phải kiên quyết đưa các tàu vào nơi an toàn. Do bão số 4 tiếp tục gây mưa lũ trong khi miền Bắc vừa mới trải qua các đợt thiên tai khốc liệt nên Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 1, Quân khu 2 đẩy nhanh các hoạt động giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ cũ, ứng phó với đợt mưa lũ mới. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển, biên phòng với trên 30.000 cán bộ chiến sĩ, gần 20.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ bão. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng lo lắng, miền Bắc vừa trải qua các trận mưa lũ kéo dài; các hồ đập, đê điều đầy nước, dù bão số 4 chỉ đạt cấp 8-9 nhưng lượng mưa lớn sẽ gây cộng hưởng. Các tỉnh nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão phải triển khai ngay lệnh cấm biển, kiểm soát và thông báo cho tàu thuyền, dừng hoạt động du lịch. Trên đất liền phải chủ động phương án phòng chống sạt lở, ngập lụt do mưa lũ, lũ quét tại toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ phải chủ động bơm tiêu nước với công suất tối đa, “không cần hối tiếc” vì đang mùa mưa, nước lũ còn rất lớn. Đề nghị lực lượng chức năng sẵn sàng cùng người dân chống bão, không để thiệt hại về người và tài sản của nhân dân cũng như tài sản của Nhà nước. 

ĐBSCL: Lũ lên nhanh, dồn sức ứng phó 

Hiện mực nước lũ tại các tỉnh ĐBSCL liên tục lên nhanh. Theo các cơ quan Khí tượng thủy văn, mực nước cao nhất ngày 15-8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,76m (trên BĐ1 là 0,26m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,27m (trên BĐ1 là 0,27m); các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động trên mức BĐ2. Dự báo, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên; đến ngày 19-8, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,8m (dưới BĐ2 là 0,2m); tại Châu Đốc ở mức 3,25m (trên BĐ1 là 0,25m)… Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý, mực nước lũ đang lên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An…

Ngày 15-8, tại TP Cần Thơ, đợt triều cường dâng cao gây ngập nước ở nhiều tuyến đường. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp triều cường xuất hiện ở Cần Thơ. Đáng chú ý là nhiều tuyến hẻm, một số con đường ven sông Hậu bị ngập 0,2 - 0,4m. Đợt triều cường lần này xuất hiện sớm nhất trong nhiều năm qua ở Cần Thơ. Ở Vĩnh Long, triều cường cũng gây ngập nhiều tuyến đường nội ô khiến việc đi lại và buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Nhằm ứng phó với những diễn biến bất thường trong mùa mưa lũ năm, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương gia cố đê bao nhằm bảo vệ an toàn cho các vườn cây ăn trái, nhất là ở những khu vực cồn có nguy cơ vỡ đê thì cần được kiểm tra thường xuyên…”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới (An Giang), do ảnh hưởng dông lốc, mưa liên tục những ngày qua và lũ lên nhanh cùng triều cường đã làm ngập khoảng 1.000ha lúa và hoa màu của người dân các xã An Thạnh Trung, Hòa Bình, Hội An; trong đó thiệt hại hơn 75ha lúa và hoa màu 40%-60%. Một trong những vấn đề lo ngại nhất của huyện Chợ Mới trong mùa lũ năm nay là tình hình sạt lở hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đời sống của hàng ngàn hộ dân. Thống kê mới đây cho thấy, toàn huyện Chợ Mới có tới 16 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 42,5km, làm ảnh hưởng đời sống của khoảng 1.000 hộ dân (thuộc dạng nhiều nhất ở An Giang và ĐBSCL).  

 UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nước lũ đang lên nhanh ở đầu nguồn, do đó nhiệm vụ phòng chống lũ đang được triển khai quyết liệt. Song hành cùng thu hoạch an toàn lúa hè thu thì kế hoạch sản xuất 130.000ha lúa thu đông được rà soát kỹ lưỡng và chỉ gieo sạ ở những vùng có đê bao đảm bảo. Ở các huyện như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Cao Lãnh… cần kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao vững chắc nhằm không để vườn cây ăn trái bị ngập lũ gây thiệt hại. Đối với tình trạng sạt lở cũng rất đáng lo.

Hiện  toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 6.000 hộ dân sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở; trong đó có 900 hộ ở khu vực sạt lở khẩn cấp cần phải di dời gấp, nhưng chưa có chỗ ở mới. Để giải quyết vấn đề bức bách trên, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương hỗ trợ di dời dân cư khẩn cấp. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để bố trí chỗ ở ổn định cho 2.440 hộ dân; trong đó có 900 hộ dân cần di dời khẩn cấp, 1.540 hộ nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm; tổng kinh phí thực hiện khoảng 657 tỷ đồng… 

Tin cùng chuyên mục