Tề gia

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành quy định công tác kiểm tra của tổ chức Đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên. Trong đó có nội dung quan trọng là “kiểm tra việc động viên cha, mẹ, vợ, chồng và giáo dục con cái giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật” mà đối tượng tập trung kiểm tra trước hết là “cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”.

Đây là việc cụ thể hóa một trong những nội dung Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua đó, Đảng ta muốn khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng - vấn đề được coi là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Thực ra, vấn đề liên quan đến “vợ con cán bộ” không phải là mới và đã được đề cập trong các văn bản, quy định của Đảng và pháp luật dưới các hình thức khác nhau, nhưng việc Đảng ta đưa ra quy định này trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 càng cho thấy tính chất nghiêm trọng, không thể nương tay được nữa.

Trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng khóa X đọc tại phiên khai mạc Đại hội XI của Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang (khi đó là Thường trực Ban Bí thư, nay là Chủ tịch nước) đã nói: “Trong BCH Trung ương Đảng, vẫn có cán bộ để vợ, con thu vén lợi ích riêng”.

Lúc này, trong việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, yêu cầu đặt ra cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chẳng những phải thực sự gương mẫu (tu thân) mà còn phải biết quản trị tốt gia đình mình (tề gia), như thế mới “trị quốc, bình thiên hạ” được. Bởi gia đình là tế bào của xã hội thì việc “tề gia” chính là tạo ra một tế bào xã hội lành mạnh.

Hiện nay, luật pháp cấm vợ con cán bộ không được kinh doanh cùng ngành nghề mà người đó quản lý. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức khác nhau, vẫn có cán bộ, đảng viên ngấm ngầm để cho vợ con, anh chị em và người thân đứng tên doanh nghiệp mà thực chất là cán bộ đảng viên đưa vốn để thành lập doanh nghiệp, có khi còn trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh. Đó là những “sân sau” của gia đình và của bản thân họ được ưu đãi về vốn, mặt bằng, các hợp đồng có lợi và được sự ủng hộ ngầm của không ít những cơ quan chức năng vốn có mối quan hệ riêng. Không ít trường hợp vợ lợi dụng danh nghĩa chồng, con mượn danh nghĩa cha để làm ăn. Có trường hợp, vợ con họ lúc đầu không tham gia vào công việc của người chồng, người cha, nhưng những “thế lực làm ăn” thông qua những “món quà trên trời rơi xuống”, dần dần đã thuyết phục, lôi kéo gia đình cán bộ sa vào cạm bẫy lúc nào không biết.

Trong chuyến đi thăm Singapore tìm hiểu nền hành chính công vụ của nước sở tại, các thành viên trong đoàn công tác TPHCM ghi nhận rằng, sở dĩ Singapore đến nay được biết đến là nước xây dựng bộ máy trong sạch, thanh liêm bởi có một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là sự gương mẫu của người lãnh đạo cấp cao và gia đình họ. Bản thân vị đứng đầu nước này không bao che bất kỳ ai phạm luật dù đó là người thân hay trợ thủ đắc lực. Bài học rút ra là: việc xây dựng chính quyền trong sạch, thanh liêm ở Singapore là rất nguyên tắc, trật tự và nghiêm khắc - nghiêm khắc trước hết với người lãnh đạo và gia đình lãnh đạo. Phẩm chất thanh liêm của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao, trong đó có gia đình họ, đã làm cho ý thức liêm khiết thẩm thấu vào xã hội…

Người ta thường bảo, vợ hiền thì chồng ít họa vì trong sự thành công của người chồng có bóng dáng người vợ. Ngược lại, trong nhiều trường hợp đã xảy ra, làm mất thanh danh của người chồng, có khi là mất cả sự nghiệp, dường như cũng thấy đâu đó hình bóng người vợ hoặc con cái họ. Chính vì thế, “kiểm tra việc động viên cha, mẹ, vợ, chồng và giáo dục con cái giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật” cũng chính là một kênh để kiểm soát quyền lực của cán bộ đang nắm quyền lực, góp phần phòng ngừa tham nhũng từ xa.  

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục