Thà ít mà tốt

Gần đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo chủ trương thực hiện “2 không”: không gian lận trong thi cử và không chạy theo thành tích, được dư luận cả nước hoan nghênh.

Ngày 3-8-2006, làm việc với tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ra văn bản thông báo không áp đặt cho các địa phương phải đạt chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp trong thi cử hàng năm. Đây là một trong các giải pháp nhằm chống căn bệnh thành tích đã tồn tại suốt mấy chục năm nay trong ngành giáo dục.

Nhưng “bệnh chạy theo thành tích” không phải chỉ là căn bệnh riêng của ngành giáo dục, mà nó đã hiện diện hầu như ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta. Chẳng hạn, việc xét tặng danh hiệu khu phố (ấp) văn hóa, phường (xã) văn hóa, gia đình văn hóa ở nhiều địa phương: tỷ lệ đạt “chuẩn” văn hóa luôn cao ngất, trong khi các tệ nạn xã hội và những biểu hiện “thiếu văn hóa” có thể dễ dàng bắt gặp mọi lúc, mọi nơi. Việc phân loại đảng viên hàng năm cũng vậy, có người được bình xét là đảng viên đủ tiêu chuẩn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (loại A1), sau đó đã phải vào tù (như vụ PMU18…). Thậm chí công tác phát triển đảng viên mới cũng được “giao chỉ tiêu” rất cụ thể. Để “phấn đấu đạt chỉ tiêu trên giao”, không ít nơi đã chạy theo số lượng, kết nạp cả những người chưa đủ tiêu chuẩn vào Đảng, làm cho Đảng chẳng những không mạnh lên mà còn yếu đi, khiến quần chúng giảm bớt tín nhiệm đối với Đảng.

Vì vậy, tôi đề nghị tất cả các cấp, các ngành cùng hưởng ứng chủ trương của ngành giáo dục “nói không với bệnh thành tích”, coi trọng thực chất, “thà ít mà tốt” như Lênin đã dạy.

PHAN TRỌNG HIỀN

Tin cùng chuyên mục