Tham vọng về một “Hollywood của Indonesia”

Jababeka Movieland, trung tâm công nghiệp điện ảnh và truyền hình tầm cỡ hàng đầu châu Á, vừa được khai trương hồi tháng 7 vừa qua tại thành phố Cikarang, tỉnh Tây Java, Indonesia. Dự án trị giá 3,5 tỷ USD này nuôi tham vọng trở thành một “Hollywood của Indonesia”.
Nhà sáng lập Tập đoàn Jababeka, ông Setyono Djuandi Darmono (phải), giới thiệu với Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno (giữa) về dự án Jababeka Movieland tại lễ khai trương
Nhà sáng lập Tập đoàn Jababeka, ông Setyono Djuandi Darmono (phải), giới thiệu với Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno (giữa) về dự án Jababeka Movieland tại lễ khai trương

Trải dài trên diện tích 35ha, Jababeka Movieland bao gồm các trường quay, studio thu hình cho màn ảnh nhỏ, một công viên giải trí, khu thương mại với hơn 2.000 điểm bán lẻ, bệnh viện, trường đại học, ngân hàng, khách sạn, văn phòng, nhà ở…

Với nhiều cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ, Jababeka Movieland giống như một trung tâm công nghiệp điện ảnh, đồng thời là một điểm đến du lịch với nhiều dịch vụ giải trí như sân golf, rạp chiếu phim hay cửa hàng mua sắm. Theo ông Setyono Djuandi Darmono, nhà sáng lập Tập đoàn Jababeka (chuyên phát triển bất động sản thương mại), Jababeka Movieland lấy cảm hứng từ mô hình của hãng phim Universal, đặt trọng tâm vào sức hút của nghệ thuật thứ 7.

Mục tiêu đầu tiên của Jababeka Movieland là giúp nền điện ảnh Indonesia đang trên đà đi lên. Trong năm qua, các bộ phim sản xuất tại Indonesia sử dụng ngôn ngữ bahasa đã thu hút được 61% lượng khán giả trong nước. Theo báo Kompas, nhờ được đầu tư đúng đắn từ khâu viết kịch bản, chỉ đạo và diễn xuất, điện ảnh Indonesia đã tạo được những cú đột phá ngoạn mục. Đó là trường hợp của bộ phim ma KKN di Desa Penari, thu hút hơn 9 triệu lượt người xem tại Indonesia chỉ trong 3 tháng - một thành tích về lượng khán giả cũng như về doanh thu phòng vé không kém gì các bộ phim bom tấn của Mỹ.

Qua việc xây dựng phim trường, Jababeka Movieland cũng nhắm đến việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Năm 2022, do thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp, Indonesia đã bỏ lỡ cơ hội đón tiếp đoàn làm phim The Last of Us, chuyển thể từ trò chơi điện tử nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ HBO. Nội dung của một trong những tập phim ăn khách này đã chọn bối cảnh ở Jakarta, nhưng rốt cuộc bộ phim lại được quay ở Canada.

Theo tạp chí Variety, trong 7 năm qua, ngành giải trí Indonesia đã phát triển khá nhanh, trong đó, doanh thu phòng vé vượt ngưỡng 350 triệu USD/năm. Ngoài các bộ phim gia đình, các rạp chiếu phim còn nhắm vào thành phần trung lưu, có xu hướng thích xem phim ngoại nhiều hơn là phim nội. Kết quả là doanh thu phòng vé của Indonesia tăng mạnh và đều đặn trong những năm qua. Nhờ vào chủ trương gọi vốn đầu tư, bộ phim dã sử cổ trang 212 Warior do Công ty 20th Century Studios của Mỹ hợp tác thực hiện với một hãng phim địa phương đã thành công bất ngờ với hơn 3 triệu USD doanh thu.

Thành công này tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, chịu đầu tư ở một mức cao hơn. Hiện Indonesia cho phát hành khoảng 90 bộ phim/năm, đa số đều được quay bằng tiếng bahasa. Số phim nội chiếm khoảng 45% lượng phim được chiếu ở rạp. Hơn một nửa còn lại là phim ngoại.

Indonesia đứng thứ 4 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, do vậy trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển trong mắt các nhà sản xuất nước ngoài. Thị trường sản xuất phim Indonesia ngày càng thu hút sự quan tâm của các mạng phát hành phim trực tuyến của Mỹ như Netflix, Amazon Prime hay Warner Bros., Discovery.

Tháng 9-2022, Bộ Du lịch Indonesia đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với Netflix nhằm sản xuất các nội dung quảng bá văn hóa của Indonesia với khán giả toàn cầu. Đối với Netflix, thỏa thuận này đáp ứng mục tiêu mở rộng và làm giàu nội dung để chinh phục thêm người xem tại châu Á. Thỏa thuận cũng đã góp phần thúc đẩy hoàn tất sớm dự án Jababeka Movieland, để tránh cho Indonesia một lần nữa bỏ lỡ cơ hội thu hút các đoàn làm phim nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục