“Tháng hành động” và trách nhiệm không chỉ trong 30 ngày

88 thủ tục hành chính được các cấp sở ban ngành, quận huyện, phường xã của TPHCM tiếp nhận, giải quyết ngay trong ngày. Trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ mà không thể giải quyết được ngay thì phải trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Đối với các cơ quan, đơn vị không có trong danh mục 88 thủ tục thì lựa chọn việc giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng tại đơn vị hoặc chọn một hay nhóm thủ tục thường xuyên bị trễ hạn để thực hiện và cam kết “không trả kết quả trễ hạn”…

Đó là một trong những nội dung trọng yếu của Tháng hành động “tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày” của UBND TPHCM (từ ngày 15-5 đến 15-6) được cụ thể hóa trên từng đầu mục công việc gắn với thủ tục hành chính và mục tiêu sẽ được hiện thực hóa bằng kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố.

Đây cũng là động thái thực tế cụ thể, quyết liệt nhằm giải quyết bài toán chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố đã “treo” lơ lửng từ nhiều năm qua. Mà mới đây nhất, ở cả hai bảng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, TPHCM thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, TPHCM xếp thứ 14/63.

Những tác động của đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, cả về hệ quả kinh tế, sản xuất lẫn cơ hội tiếp cận các dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp. Ngoài nguyên do khách quan ấy, tính chủ quan - thiếu sự đột phá mạnh mẽ trong hoạt động cải cách hành chính; quyết tâm, ý chí có thừa nhưng hiện thực hóa lại rất thấp - đã dẫn tới những thứ bậc giật lùi nói trên.

Vì sao một thành phố đầu tàu, một trung tâm kinh tế -xã hội - dịch vụ của cả nước, một vùng đất với đặc sản là tính năng động, sáng tạo mà nhiều năm liền vẫn giậm chân ngoài tốp 10, trong đó mức suy giảm ở mức trung bình, dưới trung bình lại rơi vào các tính năng như: tính minh bạch, gia nhập thị trường, năng động, pháp chế và an ninh trật tự? Vì sao đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, nghĩa là trách nhiệm của cả hệ thống chính quyền - sở ngành các cấp, nhưng kết quả vẫn không đạt được như chỉ tiêu đề ra? Một thực tế đã được đưa ra từ sớm: sự cố gắng, nỗ lực vẫn là chưa đủ khi các địa phương bạn có những cuộc cải cách toàn diện, đột phá mang tính bứt tốc, nâng thang điểm ngày một cao hơn.

Những câu hỏi không hề mới nói trên đã được đặt ra nhiều năm và cũng đã được tỏ rõ quyết tâm trả lời. Nhưng rõ ràng, hành động thực tế vẫn chưa đủ mạnh, nói cách khác, phải cụ thể hóa trên từng hạng mục, đầu việc như thế nào trong từng nhóm chỉ số, theo từng lĩnh vực, địa bàn được xem là có nhiều chỉ dấu ách tắc nhất. Chắc chắn, bên cạnh những điểm sáng, điểm cộng rất đáng được ghi nhận thì cần tập trung giải quyết, xử lý, tháo gỡ cho bằng được ở một số quận huyện bị than phiền nhiều, và một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp mỗi ngày như đất đai, xây dựng, giấy phép kinh doanh…

Nhìn rộng ra, không chỉ trong một Tháng hành động, ở tầm ngắn hạn, rất cần có những chương trình hành động như gắn với danh mục 88 thủ tục hành chính là việc xử lý hồ sơ, trả kết quả cụ thể (vốn là những đầu việc thuộc quy định giải quyết trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc) hoặc vận hành một cách nhuần nhuyễn hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế, xã hội và hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân để sớm có phản hồi, xử lý công khai, dứt điểm (2 sáng kiến đang được các cơ quan chức năng thành phố triển khai).

Ở tầm trung hạn, cần tiếp tục thúc đẩy quan điểm quản lý từ việc chỉ tập trung đánh giá các yếu tố đầu vào và quy trình, thủ tục sang việc bao gồm cả đánh giá yếu tố đầu ra và kết quả, hiệu năng công việc. Tăng cường việc lượng hóa, đo lường các tiêu chuẩn, chỉ số hiệu suất công việc…

Một biện pháp quan trọng là tổ công tác quản trị thực thi (delivery unit) với chức năng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền và UBND. Theo đó, trên cơ sở thiết kế một hệ thống thông tin (performance dashboard) nhằm tổng hợp toàn bộ thông tin, dữ liệu về chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, tiến độ công việc và những tồn đọng, khúc mắc chưa được xử lý, quy chiếu vào trách nhiệm từng khâu, từng sở ngành. Để từ đó, có thể tiến hành đánh giá, phân tích thông qua các công cụ công nghệ thông tin, phục vụ nhiều mục đích khác nhau như cải cách hành chính, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đánh giá cán bộ…

Có như vậy “tháng hành động” và trách nhiệm “tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày” của thành phố chắc chắn không chỉ giới hạn trong 30 ngày tới!

Tin cùng chuyên mục