Thanh âm khát vọng

Tiếng lật vở, tiếng bút lông ma sát với bảng tạo ra từng con chữ, đó là thứ âm thanh duy nhất phát ra từ lớp 1K1 Trường Hy Vọng quận 6, TPHCM.

Cô Hy Vọng

Trường Hy Vọng quận 6 có hơn trăm đứa học trò đều mang bệnh hoặc tật trên mình. Mỗi lớp học ở những ngôi trường thế này đâu chỉ có sự khác biệt. Lớp học của trẻ chậm phát triển sẽ chẳng bao giờ có phút “bình yên”, bởi cô giáo phải hoạt động hết công suất cho các con hiểu cuộc sống là gì. Còn lớp của trẻ tự kỷ, tăng động xen lẫn tiếng giảng bài của cô là tiếng rầm rầm của bàn ghế, bởi các con không ý thức được hoạt động như thế nào là nhẹ nhàng.

Cô Hồ Thu Vân là giáo viên chủ nhiệm của lớp 1K1. Cũng như vài người, tôi thích gọi cô là Hy Vọng, bởi cô mang trên mình khát vọng lấp đầy khiếm khuyết cơ thể các em bằng nỗ lực của trí tuệ. Cô Vân là người khiếm thính duy nhất trở thành giáo viên ở ngôi trường mang tên Hy Vọng.

Cô Vân Hy Vọng trong giờ lên lớp 1K1

Cô Vân Hy Vọng trong giờ lên lớp 1K1

Lâu nay, con đường trẻ khiếm thính đi học chữ vốn trải đầy chông gai, người khiếm thính muốn học cao càng khó, bởi làm gì có trường đại học nào dạy bằng thủ ngữ. Học một ngành đòi hỏi sự giao tiếp, tương tác và chuẩn mực như sư phạm càng là chuyện hiếm.

Bởi thế mà, cả thành phố chục triệu dân cũng chỉ có vài ba giáo viên là người khiếm thính đang công tác trong nhà trường công lập. Để trở thành người ươm hy vọng cho những đứa trẻ không may mắn khác, họ chắc hẳn đã vượt qua một hành trình vươn lên đầy kiêu hãnh.

Mẹ Vân kể lại, năm 3 tuổi, sau một trận sốt, thì cô con gái út mất đi khả năng nghe nói. Kể từ đó, cuộc sống của cô bé Vân không còn âm thanh. Khi Vân đến tuổi đi học, giáo viên biết thủ ngữ rất ít nên học sinh điếc cũng học bằng phương pháp giao tiếp thông thường nghe - nói. Con bé ý thức được khó khăn, ráng nhìn khẩu hình của cô để nắm bắt bài học. Nhưng khó khăn trong việc học không là gì so với mặc cảm khi bạn bè xung quanh không hiểu Vân và cô bé cũng chẳng hiểu họ.

Vân kể, người khác thắc mắc sao mình lại làm nhiều cử chỉ, điệu bộ cho một câu diễn đạt. Vân mắc cỡ, khép mình hơn sau mỗi lần rơi vào tình huống khó xử. Suốt một thời gian dài, cô chỉ tự tin giao tiếp với người cùng cảnh ngộ. Thấy con vất vả thiệt thòi, cha mẹ Vân rất xót nên tìm kiếm ngôi trường mà ở đó con được học tập như một người bình thường. Ngôi trường như vậy gần nhất cũng ở Đồng Nai.

Vân chọn cuộc sống tự lập xa gia đình để chinh phục con chữ, dù con đường đó không dễ đi với một cô bé 13 tuổi. Từ đây, Vân có những người bạn đồng cảnh, gặp những người thầy dạy ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên, từng ngày nhen nhóm thắp ước mơ trở thành cô giáo dạy học cho những đứa trẻ thiếu may mắn.

Nghe từ trái tim

Ở ngôi trường cách nhà một vòng thành phố, cô Vân phụ trách trẻ lớp 1-2 để dạy cho các con biết từng ký hiệu ngôn ngữ vỡ lòng để đủ nền tảng vững vàng trên hành trình chinh phục con chữ. Cô hiểu những đứa trẻ không được lắng nghe âm thanh cuộc sống, không thể nói ra lời chất chứa trong lòng là thiệt thòi không thể bù đắp. Ẩn sâu trong những đôi mắt trong veo là khát khao được hiểu người - hiểu mình. Bởi thế, cô Vân đâu chỉ là cô giáo của học trò, mà còn có sự đồng cảm.

Ngoài 30 tuổi và xinh xắn nhưng cô Vân nói muốn gác lại chuyện tình cảm riêng tư, ít nhất là ở thời khắc này. Cô chỉ muốn dành tình thương trọn vẹn cho học trò khiếm thính. Lớp 1K1 chỉ có 8 học sinh nhưng đa phần thiệt thòi hơn bình thường. Có đứa sinh ra nhiều bệnh đến độ tưởng không thể sống; đứa mang bệnh hiểm nghèo bẩm sinh khiến em trở thành nguyên nhân để cha bỏ mẹ mà đi… Nên ngoài việc dạy nét chữ, con số, cô Vân còn là nơi để các con tựa vào.

Phàm trẻ khiếm khuyết thường nhạy cảm, những đứa trẻ trong lớp dù gầy nhom, xanh xao nhưng ánh mắt luôn sáng. Những đôi mắt không chỉ chuyên trở chuyện vui buồn mà còn gánh vác trách nhiệm kết nối các em với thế giới. Trong giờ học, một đôi mắt chợt cụp xuống, cô hiểu trò đang có chuyện buồn. Vậy là giờ chơi, cô lại cho cái kẹo, sắm cho con cây viết mới, xoa đầu động viên, chuyện trò…

Đồng nghiệp của cô Vân dành cho cô sự ngưỡng mộ. Cô Đàm Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Cô Vân là “của hiếm” vì người khiếm thính học đến đại học không nhiều, theo đuổi nghề giáo đòi hỏi sự giao tiếp và thấu hiểu lại càng hiếm. Vân truyền cho chúng ta thứ năng lượng và thông điệp tích cực”. Có lẽ, người thường dùng tai để cảm thụ âm thanh, còn những người như Vân sẽ dùng toàn bộ trái tim, khối óc để lắng nghe cuộc sống.

Tôi đã rời lớp học lạ lùng, không tiếng cô, cũng chẳng tiếng trò, nhưng tôi nghe được thứ thanh âm réo rắt phát ra, chính là khát vọng.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành Giáo dục tiểu học, cô Vân tham gia giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính từ 0-6 tuổi ở Đồng Nai để chuẩn bị cho các con vào lớp 1. Trả xong ân tình với mảnh đất cưu mang mình, cô Vân chuyển về TPHCM bởi nơi đây vẫn cần những cô giáo như Vân. Năm 2016, Vân trở thành cô giáo của Trường Hy Vọng quận 6.

Tin cùng chuyên mục