Thành và bại

Năm năm qua là chặng đường đầy cam go trên cương vị tổng thống Pháp của ông Francois Hollande. 

Khi thời khắc chuyển giao quyền lực đang đến gần, giới quan sát đã điểm lại những điều ông Hollande làm được và thất bại trong nhiệm kỳ đầy khó khăn của mình.

Thành và bại ảnh 1 Tổng thống Pháp François HollandeẢnh: Reuters

Theo đài RFI, tháng 5-2012, ông Hollande đắc cử tổng thống Pháp sau gần 4 năm cả thế giới nỗ lực khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính ngân hàng xảy ra hồi năm 2008. Khủng hoảng Hy Lạp đe dọa sự tồn tại của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Toàn khối phải áp dụng chính sách khắc khổ. Bước vào điện Elysée với lời hứa thuyết phục Đức và châu Âu nới lỏng các biện pháp cắt giảm chi tiêu, ông Hollande đồng thời cam kết giảm bội chi ngân sách xuống còn 3% GDP như quy định của eurozone. Để giảm thâm hụt ngân sách, Tổng thống Pháp đã buộc phải tăng thuế. Biện pháp này đánh thẳng vào túi tiền của người dân, khiến tiêu thụ tuột dốc. Hậu quả kèm theo là các doanh nghiệp sa thải bớt nhân công.

Tình trạng tiếp tục xấu đi cho đến đầu năm 2015, khi thị trường Pháp bắt đầu tuyển dụng trở lại. Eric Heyer, Giám đốc Đài Quan sát tình hình kinh tế Pháp, cho rằng, thực ra tình trạng thất nghiệp được cải thiện trong 5 năm vừa qua dù nhịp độ còn chậm và tin vui này đến quá trễ để Tổng thống Hollande có thể xem là một dấu son trong nhiệm kỳ sắp khép lại. Từ cuối năm 2015 tới nay, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm từ 10,2% xuống 9,6%.

Các hoạt động kinh tế đều có khuynh hướng khả quan hơn, doanh nghiệp có chiều hướng dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn. Theo thăm dò của Cơ quan môi giới tìm việc làm Pole Emploi, 1,7 triệu doanh nghiệp cho biết có ý định tuyển dụng gần 2 triệu nhân viên trong năm 2017. Con số này được xem là cao kỷ lục tính từ năm 2002 tới nay. Kinh tế Pháp cũng bắt đầu phục hồi. Số các doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong năm 2016 giảm 8% so với hồi năm 2015, chỉ số tin tưởng của doanh nhân Pháp cũng có phần tươi sáng hơn...

Trong số những hứa hẹn mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho 65 triệu dân Pháp, giấc mơ tạo một cuộc sống tươi sáng hơn cho giới trẻ ở cuối nhiệm kỳ của ông vẫn còn xa vời. Nạn thất nghiệp hay công việc làm bấp bênh, cảnh nghèo khó, bất bình đẳng xã hội vẫn là những mối đe dọa có thực. Đến cuối nhiệm kỳ của ông Hollande, tỷ lệ người nghèo vẫn không giảm so với 5 năm trước đó.

Trong lĩnh vực môi trường, hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu tổ chức tại Paris vào tháng 12-2015 được đánh giá là một thành công vượt bậc trên phương diện ngoại giao. Pháp đã thuyết phục 194 quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, cam kết giảm lượng khí thải làm nóng Trái đất. Để làm gương, Pháp đã thông qua nhiều đạo luật về môi trường, trợ cấp cho các chương trình tiết kiệm năng lượng, từng bước giảm năng lượng hóa thạch để sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nhiều quyết định nửa vời, mang tính tượng trưng chưa đem lại hiệu quả. Nhưng thất bại lớn nhất của ông Hollande có lẽ là chính sách với Liên minh châu Âu (EU) và eurozone. Khi lên cầm quyền, ông khẳng định sẽ thuyết phục được Đức và EU nới lỏng chính sách khắc khổ. 5 năm sau,  lập trường của cả Berlin lẫn Brussels đều không mấy thay đổi.

Dù sao, tổng thống sắp tới sẽ bước vào điện Elysée trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn so với hồi tháng 5-2012, bởi ông Hollande để lại di sản sáng sủa hơn so với những gì ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy.

Tin cùng chuyên mục