Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu với các nước láng giềng

Ngày 12-4, tại TP Lào Cai, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu khu vực biên giới phía Bắc năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược, nhưng cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng thủ đô Hà Nội, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng và nông nghiệp giá trị cao, kinh tế cửa khẩu…

Để thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu thì các địa phương trong vùng cần tính toán, liên kết với nhau nhằm thống nhất phát triển các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông - lâm - thủy sản thế mạnh của vùng; đưa một số địa phương trong vùng trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hóa các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu.

* Chiều cùng ngày, cũng tại TP Lào Cai, Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho biết, với hơn 5.000km đường biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương của khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các nền kinh tế phát triển.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mỗi năm, quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền với 3 thị trường nước láng giềng này là 8,44 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, thương mại qua biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về hệ thống logistics (khai thác đường sắt liên vận quốc tế với Trung Quốc chưa đồng bộ về khổ đường ray); chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu còn rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất của Việt Nam; hầu hết doanh nghiệp tập trung giao dịch tiểu ngạch mà chưa ưu tiên lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch…

Do đó, hội nghị giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, cơ hội xúc tiến thương mại qua biên giới, nhất là tại các địa phương có cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Tin cùng chuyên mục