Tháo gỡ vướng mắc về thu BHYT HS, SV: Linh hoạt mức đóng và thời điểm đóng

(SGGP).- Trước những dư luận trái chiều hoặc còn chưa rõ ràng về chính sách mới được quy định tại Thông tư số 41 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế trong công tác thu BHYT và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên trong cả nước..., chiều 16-9, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về BHYT học sinh, sinh viên để làm rõ hơn những vấn đề đang được quan tâm.

Trong đó, một trong những chính sách còn làm nhiều người băn khoăn là việc quy định tăng mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ 3% mức lương cơ sở như cũ tăng lên 4,5% theo quy định mới, gây khó khăn cho các phụ huynh, gia đình học sinh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định việc tăng mức đóng là một xu thế tất yếu, phù hợp quá trình hội nhập để nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nói chung, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên. BHXH Việt Nam cũng lý giải, trung bình mỗi tháng, một học sinh cần đóng khoản tiền bảo hiểm tương ứng với khoảng 40.000 đồng, trong vòng 1 năm (12 tháng) là hơn 430.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước đã hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% do các gia đình học sinh, sinh viên đóng, áp dụng từ ngày 1-1-2015.

Cũng có dư luận cho rằng, mức đóng BHYT 430.000 đồng/năm không phải là lớn đối với gia đình, phụ huynh học sinh, sinh viên, nhưng thời gian qua, do việc triển khai của các cơ quan liên quan còn chưa đồng bộ, thiếu chuẩn bị đã gây nên những hiểu lầm trong cả đội ngũ giáo viên khi phải tổ chức thu tiền BHYT và các phụ huynh, gia đình có con em đi học. Tại nhiều địa phương, đã có tình trạng nhà trường tổ chức thu tiền BHYT liền một lúc 15 tháng, gồm 3 tháng còn lại của năm 2015 và 12 tháng của năm 2016 sau khi chính sách bảo hiểm mới đưa ra quy định chuyển từ hình thức thu theo năm học sang năm tài chính (từ tháng 1 đến tháng 12). Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ, trong hướng dẫn của luật có quy định tùy từng điều kiện của mỗi địa phương mà áp dụng thời gian đóng, mức đóng theo từng đợt khác nhau nên các địa phương đã có cách làm khác nhau. Đến nay, có 5 tỉnh, thành phố tổ chức thu BHYT theo năm học như các năm trước, còn lại 58 tỉnh và thành phố đã chuyển sang thu theo năm tài chính (trong đó đã có 8 tỉnh tổ chức thu một lần cho 15 tháng - gồm 3 tháng năm 2015 và 12 tháng năm 2016).

BHXH Việt Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về bất cập này, cơ quan bảo hiểm đã triển khai hướng dẫn ngay tới các địa phương và nhà trường về việc tổ chức thu BHYT để dễ áp dụng, tạo sự linh hoạt hơn cho cả nhà trường lẫn các gia đình học sinh, sinh viên. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị các trường và các địa phương tổ chức thu theo nhiều đợt với nhiều hình thức khác nhau, như 6 tháng và 9 tháng, hoặc 9 tháng và 6 tháng, hoặc thu 3 đợt gồm 3 tháng của năm 2015, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2016... Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, việc thu BHYT là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường cũng như ngành giáo dục trong việc phối hợp với ngành bảo hiểm đã được quy định trong Luật BHYT, không có chuyện các giáo viên bỗng dưng trở thành “đại lý bảo hiểm” của BHXH Việt Nam. 

Cũng theo BHXH Việt Nam, năm học 2014-2015 cả nước đã có hơn 15 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 88,5%) tham gia BHYT. Số thu BHYT trong năm 2014 và 6 tháng của năm 2015 ước đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường năm học 2013-2014 là 511 tỷ đồng, năm học 2014-2015 là 600 tỷ đồng và 6 tháng của năm 2015 ước khoảng 300 tỷ đồng, nhưng mới chỉ sử dụng hết khoảng 65%. Theo kết quả khảo sát của BHXH Việt Nam, hiện cả nước còn 45,1% trường mầm non, 38,7% trường phổ thông (tương đương 12.443 trường) và 18,7% trường cao đẳng - đại học không có phòng y tế, thiếu cán bộ chuyên trách và cán bộ y tế. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục