Thật, giả

Cuộc đời oái oăm đến mức rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả, có cái thật mà như giả và ngược lại giả mà như thật. Nói đâu xa, nhiều năm trước, khi trở về nhà từ buổi học đầu tiên, con gái tôi đã khóc òa mếu máo con không đi học nữa vì bố mẹ nói không thật chuyện cô giáo trẻ đẹp như một nàng tiên với tóc đen dài chấm lưng, da trắng hồng, mặt trái xoan… Nghĩa là cô đẹp toàn tập, đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, đẹp từ dáng hình đến giọng nói, từ giọng nói đến dáng hình.

Chúng tôi sững sờ vì không ngờ mình đã thêu dệt một câu chuyện “giả” trong khi ở đời “thật”, cô giáo của con tôi đã luống tuổi, khuôn mặt đã có nếp nhăn, tóc điểm bạc. Biết nói sao nữa, chỉ dám an ủi rằng đôi khi cuộc đời cũng giống như cổ tích, sẽ có một kết cục có hậu “và để rồi họ sống trong hạnh phúc đến đầu bạc răng long”.

Nhưng giá có được “chuyện cổ tích giữa đời thường” như vậy thì cũng đáng để an ủi cho phận làm người khá long đong. Song le, con người vốn cả nghĩ, cứ phải dằn vặt tìm ra được chân lý vốn nằm giữa hợp chất thật và giả. Và phải làm gì để phân kim tìm ra chút vàng ròng sự thật ẩn chứa bên trong? Tuần qua, cả cộng đồng mạng sôi sùng sục vì sự kiện Ngọc Trinh sang Hàn Quốc nhận giải thưởng “nữ hoàng bikini châu Á” với tâm điểm là thật hay giả danh hiệu “cao quý” này.

Clip được ê kíp của ông bầu chuyên chăn dắt “chân dài” Vũ Khắc Tiệp tung ra cho thấy đúng là “nữ hoàng nội y” của Việt Nam có được ôm cúp với chỉ có một cái khác là… cúp này không giống nguyên mẫu cúp được trao cho giới người mẫu nghiêm túc của châu Á và từ đó nhiều luồng ý kiến cho rằng Ngọc Trinh đã giả mạo giải thưởng nhằm đánh bóng tên tuổi.

Thật hay không thật rồi sau này sẽ phân giải và cũng có thể có một cái giải nào đó mang tính thương mại được phát không cho một cô gái nổi tiếng không phải bằng tài năng mà nhờ những phát ngôn gây sốc, nhờ những màn khoe hàng hiệu, khoe có người yêu đại gia… song thật đắng lòng khi chứng kiến sự hỗn loạn, bát nháo của giới showbiz Việt hiện tại. Đó là sự xuống cấp văn hóa có nguyên nhân một phần từ một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã dễ dãi tung hô quá mức những “thần tượng” mà thật sự danh xưng này không đáng gắn với hình ảnh họ đại diện.

Ở các nước khác, giới làm nghệ thuật rất sợ dính đến scandal, nhưng ở ta đó là chuyện thường “ở huyện”, càng lắm scandal thì càng dễ nổi tiếng, càng dễ kiếm nhiều tiền, càng tiến nhanh đến hàng “sao” với vô vàn cơ hội thăng tiến trong vũng lầy sặc mùi tiền. Sống không scandal ư? Rất khó để có thể ngồi “ghế nóng” ở các chương trình truyền hình trực tiếp với tiền cát-xê bạc tỷ hay có tiền “lót tay” cả trăm triệu đồng với mỗi lần xuất hiện trên “thảm đỏ”.

Và từ đó mới có chuyện một cô ca sĩ trẻ đã “vô tư” đăng đàn kể chuyện biết đến “sex” từ năm 19 tuổi với tư thế nào dễ “lên đỉnh” nhất?! Chắc hẳn ai cũng bán tin, bán nghi suy nghĩ chuyện này là chuyện thật hay chuyện giả, hay là chuyện giả mà kể như thật? Nhưng suy cho cùng, thật và giả ở chúng ta nó hòa nhập và hòa tan quá nhanh đến mức ai cũng phải dụi mắt không tin có cảnh vượt rào sắt rách cả bikini khi nhảy vào tắm ở công viên nước Hồ Tây, để rồi ngay sau đó có chủ tiệm quần áo đã mau lẹ quảng bá sản phẩm bikini của chị ta là hàng hiệu không sợ bị rách “khi leo trèo”…

Tất nhiên, chúng ta còn niềm tin rằng chẳng chóng thì chầy, sự chân thật - đức tính quý báu của người Việt (và không chỉ có ở người Việt) sẽ được khẳng định và tái khẳng định trong cuộc sống văn hóa chung. Và phải thật lòng mà nói càng chân thật bao nhiêu thì càng dễ thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt vì mưu sinh hiện nay.

Có lần, người viết bài được chứng kiến sự lên ngôi ngoạn mục của một nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) trong cuộc thi làm video clip ca nhạc bằng tiếng Anh với chủ đề về mái trường mến yêu. Khi đó, vòng chung kết diễn ra tại sân khấu IDECAF với sự tham dự của đủ mặt anh tài là các trường chuyên ngữ tiếng Anh hàng đầu của thành phố.

Phải nói rằng cuộc thi với các phần thuyết trình nội dung, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo đến từ Singapore và trình bày ca khúc tiếng Anh đã diễn ra hết sức sôi động trong sự cổ vũ của hàng trăm học sinh các trường. Có cả tiếng cười, cả nước mắt khi kết quả được công bố. Và người chiến thắng - không ai ngờ, lại là nhóm học sinh lớp 12N chuyên Nhật của Lê Quý Đôn. Họ thắng đơn giản là bởi sự chân thật, mặc dù tiếng Anh của họ không giỏi bằng các trường chuyên Anh “hàn lâm” vì đôi khi… phải dùng thêm cả tiếng Nhật để minh họa cho chủ đề.

Sự chân thật, mộc mạc này thể hiện qua clip ca nhạc, trong đó các em cuối cấp thấy mệt mỏi với áp lực học tập, áp lực của kết quả học tập để tìm lại mình, tìm lại tuổi học trò qua âm nhạc. Nó khác hẳn sự khuôn sáo chung khi nói về ngôi trường mình học. Và cô Ngọc Trinh dù có nhận hay không nhận giải thưởng “nữ hoàng bikini” trên đất Hàn Quốc cũng cần biết rằng ở đất nước này dân tộc tính của họ rất cao, họ giàu có như ngày nay cũng nhờ dân tộc tính.

Có người kể rằng ghé vào một cửa hàng bán mỹ phẩm ở Seoul cuối thập niên 60, sau khi chọn mua một lọ nước hoa Lancôme thì cô bán hàng đã bật khóc nức nở. Cô gái Hàn khóc vì vị khách người Việt đã không chọn mua hàng Hàn Quốc để giúp xứ sở cô thoát nghèo. Mà đó là những giọt nước mắt thật…

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục