Thất vọng vé tàu tết

Hẳn nhiều người còn nhớ lời phát biểu tại lễ khai trương hệ thống bán vé tàu qua mạng ngày 21-11 của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Việc đưa vào khai thác hệ thống bán vé điện tử là nỗ lực rất lớn của ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN) trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự thuận tiện cho hành khách, giải quyết các vấn đề bức xúc khi mua vé tàu trong các dịp cao điểm lễ tết, chấm dứt tình trạng chen lấn, xô đẩy khi phải xếp hàng nhiều giờ để mua vé”. Được kỳ vọng nhiều như vậy nhưng đến thời điểm này, có thể nói mô hình bán vé tàu Tết Ất Mùi qua mạng mà ngành ĐSVN vừa đưa vào khai thác đã không khỏi khiến nhiều “thượng đế” thất vọng.

Những gì mà hành khách nhận được trong những ngày vừa qua đã cho thấy, những nỗ lực của ngành ĐSVN vẫn đang rất “đuối” so với nhu cầu thực tế và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ khách hàng xem ra vẫn còn đang rất nửa vời.

Theo đại diện FPT, mô hình bán vé tàu năm nay được thiết kế sau khi tham chiếu cách bán vé máy bay theo hướng đơn giản hơn cho khách hàng. Nhưng thực tế lại cho thấy, việc mua vé tàu vẫn đang phức tạp hơn nhiều so với mua vé máy bay. Nếu như mua vé máy bay chỉ vài thao tác điền thông tin thì mua vé tàu đòi hỏi chi tiết hơn… Không chỉ vậy, người mua còn phải qua các khâu, các nơi khác để trả tiền, nhận vé. Quy trình nhiêu khê này khiến nhiều thượng đế phải “hoa mắt, chóng mặt”.

Những bức xúc từ việc mua vé tàu tết càng nóng hơn khi hệ thống bán vé tàu qua mạng bộc lộ hàng loạt những bất cập. Hàng trăm hành khách đã đặt vé thành công qua website với hình thức thanh toán qua ngân hàng nhưng khi thay đổi sang hình thức thanh toán online đã bị hệ thống tự động đẩy ra dẫn đến mất quyền giữ vé và phải đặt vé lại. Lại có rất nhiều trường hợp đã đặt chỗ thành công, đã thanh toán tiền nhưng ra ga lại không có vé. Hoặc có những trường hợp hành khách đặt chỗ thành công từ hai chỗ trở lên nhưng muốn hủy một chỗ thì hệ thống không cho phép hủy…

Sau rất nhiều nỗ lực mua vé qua mạng không thành công, mọi hy vọng mua được tấm vé tàu về quê ăn tết dồn về cơ hội cuối cùng là mua vé tại ga từ ngày 6-12. Do cách thông tin, hướng dẫn cho hành khách không đầy đủ cùng quá nhiều những sự cố kỹ thuật đã khiến người dân cảm thấy mất lòng tin, họ lại ra ga xếp hàng và cuối cùng, cảnh quá tải ở nhà ga lại tái diễn, bất chấp nỗ lực của ngành đường sắt.

Điều gây thất vọng nhất đối với hành khách năm nay là, mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hành khách vẫn phải chờ đợi mua vé trong cảnh tù mù thông tin, họ vẫn không thể biết được vé họ muốn mua còn hay hết. Ứng dụng công nghệ thông tin nhưng khi đã hết vé, ngành ĐSVN không hề thông báo mà vẫn để người dân tiếp tục nhắn tin đặt chỗ một cách vô ích? Ứng dụng công nghệ thông tin mà người dân vẫn cảm thấy có quá nhiều “hên xui” khi thao tác mua vé?

Có một thực tế là, ở nhiều nước, việc tàu xe đi lại vào dịp cao điểm cũng rất căng thẳng, do cầu luôn vượt xa cung, nhưng người dân không đến mức quá khổ sở, chật vật trong quá trình mua vé. Đơn cử như ở Hàn Quốc, Đức… người dân có thể đặt mua vé tàu qua mạng từ rất sớm, trước giờ khởi hành nhiều tháng, thậm chí hàng năm một cách rất dễ dàng. Họ thanh toán, nhận vé bằng các hình thức đơn giản, quen thuộc. Trong trường hợp hết vé, họ cũng được nhà ga thông báo sớm để không tốn thời gian, công sức cho việc săn tìm vé.

Vậy vì sao chúng ta lại không xây dựng được một mô hình bán vé tàu hiệu quả, đơn giản như vậy? Vì sao vẫn chưa thể đưa ra một trang web bán vé tàu chuyên nghiệp và hoàn thiện? Đại diện của FPT thừa nhận, điểm tồn tại của hệ thống hiện nay là sau khi hoàn tất các khâu đặt vé và thanh toán, hành khách vẫn phải đến ga để lấy vé lên tàu. Hệ thống chưa cung cấp chức năng in vé điện tử, bán vé qua đại lý hay bán vé qua thiết bị bán vé tự động.

Dự kiến, ở giai đoạn 2 (cuối năm 2015), khách hàng sẽ chỉ cần mã điện tử để lên tàu như vé máy bay. Lý do là ngành ĐSVN cần có thêm thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý với các cơ quan nhà nước (Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế) để chuyển đổi từ vé đi tàu truyền thống sang vé điện tử.

Thiết nghĩ, vé tàu tết gây bức xúc xã hội rất lớn, tái diễn đã nhiều năm, là vấn đề đau đầu của ngành giao thông, lẽ ra các bộ ngành liên quan cần đẩy nhanh hơn tiến độ hoàn thành hành lang pháp lý để mô hình bán vé qua mạng được triển khai đồng bộ, hoàn thiện ngay khi đưa vào khai thác.
 
Vẫn biết việc mua được vé tàu tết là không dễ do nhu cầu quá cao so với khả năng đáp ứng, vẫn biết nhiều người dân chúng ta vẫn chưa có ý thức chủ động trong việc lập kế hoạch đi lại, đặt mua vé tàu xe sớm mà vẫn thường để “nước đến chân mới nhảy”… Nhưng, với những ưu ái mà nhà nước đã dành cho ngành đường sắt, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành giao thông thì người dân có quyền hy vọng, có quyền đòi hỏi được phục vụ một cách tốt hơn.

Nhưng có lẽ, như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, ngành ĐSVN có chuyển biến nhưng mới chỉ là chuyển biến so với chính bản thân nó chứ chưa hề chuyển biến so với nhu cầu bức thiết của xã hội. Chỉ có điều, nếu chưa thể “một bước đến chợ” sau nhiều thập kỷ trì trệ thì việc tập trung đầu tư, cải thiện triệt để việc bán vé tàu tết vẫn nên là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực cải thiện hình ảnh cũng như năng lực của ngành này.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục