Không ít doanh nghiệp kêu cứu khi gặp khó khăn do nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, sản xuất đình trệ, vận chuyển không thông suốt… Khái niệm “hàng thiết yếu” trở thành câu chuyện gây tranh luận trên mạng những ngày qua.
Danh mục hàng hóa được lưu thông thời điểm giãn cách xã hội của Tây Ninh có thêm hàng kim khí, điện máy… Tỉnh Khánh Hòa bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… Tỉnh Đồng Nai quy định rõ băng vệ sinh cũng thuộc danh mục này. Chính vì không đồng bộ, nên xảy ra tình trạng hàng hóa ở tỉnh này thì được phép, nhưng qua chốt kiểm soát ở tỉnh kia thì bị cấm lưu thông.
Có thể hiểu đơn giản nhất, những gì phục vụ cơ bản cho sinh hoạt, sản xuất, đời sống hàng ngày là thiết yếu. Cách hiểu này có thể áp dụng với sữa, nước uống, gas… ở tất cả các tỉnh thành mà không cần văn bản nào, chỉ phụ thuộc vào nhận thức của cán bộ trực tiếp thực thi, hoặc của địa phương.
Dù Chính phủ chỉ đạo không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, nhưng việc vận dụng mỗi nơi mỗi kiểu, đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Ngày 27-7, Bộ Công thương đã có Văn bản số 4481 quy định về hàng hóa dịch vụ thiết yếu, khắc phục các vấn đề nêu trên.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa cấm lưu thông, thay vì liệt kê Danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Nếu được chấp thuận, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay.
Đây là lần đầu tiên giãn cách xã hội được áp dụng trên phạm vi rộng tại nhiều tỉnh thành để phòng chống dịch Covid-19, nên có những vấn đề phát sinh cần được điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu các địa phương có sự linh hoạt, các chốt kiểm soát có nhận thức phù hợp, thì câu hỏi “băng vệ sinh có phải hàng thiết yếu?” không trở thành câu chuyện gây tranh cãi trên mạng trong những ngày qua.
Một chút thực tế trong xử lý khi đặt mình vào hoàn cảnh người khác, thiết nghĩ mọi việc sẽ dễ dàng hơn với câu hỏi “hàng thiết yếu là gì?”.