Thêm nhiều tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trong năm 2023, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06) sẽ cung cấp thêm nhiều tiện ích, dịch vụ giúp cuộc sống người dân, cơ quan, doanh nghiệp trở nên tiện lợi hơn.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, về đề án trên.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an

- PHÓNG VIÊN: Đề án 06 có ý nghĩa gì đối với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, doanh nghiệp thưa ông?

Đại tá VŨ VĂN TẤN: Đề án 06 là một trong những nhóm gốc của chuyển đổi số dựa trên việc rà lại hơn 6.800 dịch vụ công. Nhiệm vụ của Đề án 06 là lựa chọn trong những dịch vụ công gần gũi với người dân để nâng cao chất lượng của những dịch vụ đó. Hiện đã lựa chọn về chất của 25 dịch vụ thiết yếu. Khi triển khai, Đề án 06 là động lực cho các bộ, ngành, địa phương xem xét lại các dịch vụ công thiết yếu để nâng cao chất lượng phục vụ.

- Đề án 06 đã thực hiện được những gì?

Tính tới nay, Bộ Công an đã thực hiện thành công 21/25 dịch vụ công thiết yếu nằm trong nhiệm vụ của Đề án 06; đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187 dịch vụ công của ngành công an. Trong việc làm giàu thêm dữ liệu dân cư phục vụ làm giàu dữ liệu dân cư quốc gia, hiện đã kết nối với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 15 địa phương; đã tra cứu, xác thực thông tin phục vụ làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư (đã đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội của hơn 27,4 triệu công dân; đồng bộ mũi tiêm của hơn 101,8 triệu công dân…).

Kết quả đạt được của Bộ Công an theo các nhóm và ngoài lộ trình Đề án 06 được Chính phủ đánh giá cao. Trong nhóm dịch vụ công phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để phục vụ người dân rút tiền tại các cây ATM. Ứng dụng VNeID hiện đã tích hợp các giấy tờ như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe, người phụ thuộc, bằng lái xe...; những thông tin phục vụ thông báo lưu trú nhanh chóng, thuận tiện trên ứng dụng, không phải đến cơ quan công an. Đây cũng là kênh thông tin giúp cho người dân dễ dàng tố giác tội phạm, phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật khác đến cơ quan chức năng nhanh chóng, thuận tiện, và được bảo mật. Mỗi người dân được cấp một chữ ký số miễn phí phục vụ giao dịch điện tử đảm bảo an toàn, bảo mật và tin cậy, tạo thuận tiện nhất trên môi trường điện tử, cải cách hành chính.

- Ứng dụng VNeID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thời gian tới, ứng dụng sẽ tích hợp thêm những tiện ích nào để thay thế giấy tờ vật lý?

Hiện nay, người dân đã có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng ký lưu trú, gửi tin báo tố giác tội phạm trực tuyến mà không cần đến cơ quan công an. Bên cạnh đó, với việc tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà không cần mang theo các loại giấy tờ khác.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tích hợp các loại giấy tờ như: giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông…, cũng như nâng cấp ứng dụng VNeID để tạo thêm nhiều lợi ích cho công dân trên tài khoản định danh điện tử. Phiên bản mới của ứng dụng VNeID sẽ bổ sung thêm chức năng cho phép người dân thay đổi thiết bị qua việc đọc chip NFC trên thẻ căn cước công dân trong trường hợp công dân mất, hỏng thiết bị, không thể đăng nhập để lấy mã OTP trên thiết bị cũ; hoặc công dân có thể ra trực tiếp cơ quan công an để làm thủ tục yêu cầu thay đổi thiết bị sử dụng để đăng nhập tài khoản định danh điện tử.

- Năm 2023, ngành công an sẽ cung cấp các dịch vụ, tiện ích nào cụ thể để cuộc sống người dân, doanh nghiệp tiện lợi hơn?

Năm 2023, ngành công an dự kiến cung cấp các dịch vụ, tiện ích như: tích hợp tài khoản định danh điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia để công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng ứng dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử, nền tảng mạng xã hội, xác thực bản quyền video, sản phẩm số; mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, xác thực sinh trắc cho các giao dịch điện tử...

Trong tương lai, ứng dụng VNeID có thể thực hiện chấm điểm tín dụng trong hoạt động tài chính, tiêu dùng; kết nối với hợp đồng điện tử, thuế điện tử để quản lý thương mại điện tử; ứng dụng trong hợp đồng điện tử phục vụ các hoạt động ký kết hợp đồng điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử hướng tới phục vụ truy thu, quản lý thuế.

Tin cùng chuyên mục