Nếu như so sánh với Tacloban, siêu bão Haiyan chỉ lướt qua Cebu, nhưng cái lướt ấy cũng khiến 58 người chết, 4 người bị thương và 3 mất tích - con số thống kê của Hội Chữ thập đỏ Philippines chi nhánh tại Cebu.
Chúng tôi rời Cebu ngược lên phía Bắc từ khi trời còn chưa sáng hẳn, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mới đang xuất hiện ngoài vùng biển Philippines, mưa vẫn đều đặn gõ nhịp xuống nóc xe. Đi qua trung tâm thành phố Cebu chừng vài cây số, “dấu vết” của Haiyan đã xuất hiện. Bắt đầu bằng hình ảnh của những vườn chuối đổ rạp, xác xơ, tất cả cây chuối đều bị phạt ngang thân như vừa có lưỡi dao khổng lồ lướt qua. Tiếp đó là cành cây gãy, thân cây đổ, cột điện đổ ngang đường. Con đường nhỏ càng trở nên chật hẹp khi hai bên liên tiếp xuất hiện các chướng ngại vật. Chỉ có ô tô loại nhỏ (4 chỗ, 7 chỗ) mới có thể lách qua con đường chằng chịt dây điện vắt ngang này.
Đến thị trấn Sambag Dakit thuộc thành phố Bogo, người dân đang xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Anh Paduca Galileo cùng đứa con gái nhỏ đầu trần đội mưa, cẩn thận ôm trong lòng cái bọc nhỏ, bên trong có khoảng 3kg gạo trắng, 2 lon cá đóng hộp và 1 chai nước khoáng. Số thực phẩm này chỉ đủ cho gia đình anh dùng trong 1 ngày.
Bà Lestin Socorro Tolinja, đại diện chính quyền Bogo, đến phát đồ cứu trợ, cho biết: “Làng Sambag có hơn 1.100 hộ dân, trong đó có khoảng hơn 600 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngày hôm nay, tôi đã phát hết hơn 1.000 gói, chúng tôi sẽ tiếp tục quay lại đây để trợ giúp người dân. Những thứ mà người dân cần nhất bây giờ là nước uống, thức ăn, muối và cả thuốc men nữa”.
Tại trung tâm thành phố Bogo, rất đông người dân đứng xếp hàng mua nước sạch. Anh John Maquilan vừa chuyển từng bình nước lên xe vừa nói: “Tuần trước vừa mới chỉ có 25 peso/bình, bây giờ đã tăng lên 35 peso rồi. Ngày nào tôi cũng phải đi mua nước, mà nước này chỉ dám dùng để uống thôi, còn lại nấu nướng, tắm giặt phải dùng nước giếng”.
Trên đường đi đến Daan Bantayan, nơi có 14 người bị chết vì bão Haiyan, chúng tôi đi ngang qua ngôi trường nhỏ mang tên Tery. Trước mắt chúng tôi là dãy lớp học trống hoác, toàn bộ mái đã bay hết, bên trong lớp ngổn ngang kính vỡ, những cuốn vở học trò nhàu nhĩ ngâm trong nước. Cô giáo Michelle Malou J.Panoy vừa dọn dẹp cây đổ vừa nói: “Chính quyền cũng đã cảnh báo chúng tôi về cơn bão này, nhưng quả thật tôi không thể hình dung được là nó lại khủng khiếp đến thế. Lớp học của tôi đã bị phá hủy hoàn toàn, tôi có 80 học trò, không biết đến lúc nào các em mới lại được đến lớp”.
Tại cảng Polamboro, con đường bộ duy nhất để đi từ Cebu sang Tacloban, thành phố bị cô lập bởi siêu bão Haiyan, hàng chục người dân với lỉnh kỉnh gạo, nước, mì tôm đang kiên nhẫn ngồi đợi chuyến phà duy nhất trong ngày để sang bờ bên kia.
Chị Marivic L.Rico không giấu được vẻ sốt ruột: “Toàn bộ gia đình tôi còn đang ở Tacloban. Từ hôm bão đến giờ tôi không có tin tức gì của gia đình, không biết bố mẹ, con trai tôi hiện nay ra sao?”. Hiện Tacloban vẫn trong tình trạng cô lập, không điện, không nước sạch, không thức ăn, không sóng điện thoại. Người dân đang cố tồn tại bằng hàng cứu trợ và đồ tranh cướp tại các cửa hàng, siêu thị còn sót lại trong thành phố.
Đã 4 ngày trôi qua nhưng những gì siêu bão Haiyan tàn phá Philippines vẫn gần như nguyên trạng.
BẠCH DƯƠNG (từ Cebu, Philippines)