
* Từ sự cố đề thi ở Quy Nhơn: phải cử người đọc, đối chiếu với đề thi gốc
* Hôm nay, trên 750.000 TS làm thủ tục dự thi đợt 2
Sáng nay 8-7, các thí sinh (TS) dự thi ĐH, CĐ khối B (môn Sinh, Toán, Hóa), C (Văn, Sử, Địa), D (Văn, Toán, Ngoại ngữ) và các khối thi năng khiếu bắt đầu đến các điểm thi làm thủ tục dự thi ĐH-CĐ 2009, đợt 2. Dự tính, sẽ có trên 750.000 TS đến làm thủ tục đăng ký dự thi ở 98 trường, học viện tổ chức thi đợt 2. Trong đó tại TPHCM có khoảng 260.000 hồ sơ đăng ký dự thi, nhiều hơn đợt 1.
Cán bộ coi thi không được tự ý giải thích đề thi
Để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, ngày 7-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi Chủ tịch hội đồng tuyển sinh các ĐH, học viện yêu cầu triển khai các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, sai sót đã gặp phải ở đợt 1. Phối hợp với công an địa phương tổ chức lại giao thông để hạn chế tối đa việc tắc xe kéo dài, ảnh hưởng đến TS dự thi.
Rút kinh nghiệm từ sự cố đề thi môn Vật lý ở Quy Nhơn, bộ trưởng yêu cầu trong quá trình in sao, phải cử người đọc, đối chiếu với đề thi gốc trên đĩa CD và đề thi gốc in từ đĩa CD. Rút kinh nghiệm từ sự cố giám thị tại ĐH Công nghiệp TPHCM, bị đình chỉ coi thi vì đã giải thích đề thi cho TS, công điện của bộ trưởng nêu rõ, cán bộ coi thi chỉ ký vào giấy thi và giấy nháp của TS (đối với các môn thi tự luận) sau khi TS đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi và giấy nháp. Không tự ý giải thích bất cứ nội dung gì của đề thi.
Thực tế đợt 1 cho thấy, nhiều TS “chết oan” vì điện thoại di động (ĐTDĐ), vì theo quy chế tuyển sinh, dù đã tắt nguồn, tháo pin hay chưa sử dụng, những TS mang ĐTDĐ vào phòng thi đều vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi. Đơn cử, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 14 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi (có 13 em chưa sử dụng). ĐH Thương mại có 11 TS bị đình chỉ do liên quan đến “chú dế yêu” (9 trong số này vô tình mang vào phòng thi). Có TS làm xong xuôi và nộp bài cho giám thị, rồi vô tư gọi ĐTDĐ mà không biết mình đã vi phạm quy chế.
Trong ngày 7-7, nhiều TS đã đổ về Hà Nội để chuẩn bị thi đợt 2. Tại các bến xe diễn ra cảnh xe ôm tranh nhau bắt khách khiến không ít TS và người nhà dở khóc dở cười. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), cho biết, chuẩn bị cho đợt 2, bến xe tăng cường 100 xe/ngày để đón các TS đến Hà Nội...
Các trường ĐH cũng đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi đợt 2. Theo ông Đỗ Duy Truyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, rút kinh nghiệm từ đợt 1, trường đã tổ chức tập huấn lại cán bộ coi thi để không mắc phải các lỗi như đến muộn, giải thích đề thi cho TS.
TPHCM: TS lưu ý các tuyến đường kẹt xe

Ùn ứ giao thông khi thí sinh thi xong môn Hóa học trước Trường THPT công lập Trưng Vương vào sáng 5-7. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Hôm qua, lực lượng tiếp sức mùa thi (TSMT) tại các bến xe, nhà ga và các trường tiếp tục một ngày làm việc căng thẳng khi lượng TS đổ về TP nhiều. Theo ban chỉ đạo chương trình TSMT, trong ngày hôm qua, tổng số TS được đón tiếp tại các điểm lên đến gần 10.000 TS. Trong đó, ngã tư Thủ Đức, khu vực trạm 2 – Suối Tiên rất đông TS dồn về vì khu vực này có đến hơn 50.000 lượt TS dự thi đợt 2.
Cùng với việc tìm các điểm thi, các TS cũng tranh thủ chỉnh sửa giấy báo dự thi. So với ngày 6-7, hôm qua rất ít TS bị mất giấy báo dự thi mà chủ yếu chỉnh sửa các lỗi nhỏ. Theo Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh, Giám đốc Văn phòng Bộ GD-ĐT phía Nam, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, đợt thi thứ 2 có nhiều môn tự luận nên tình trạng quay cóp, phao thi sẽ xuất hiện nhiều. Do đó, các hội đồng thi cần phải siết chặt hơn kỷ luật phòng thi, đồng thời nhắc nhở TS và cả cán bộ coi thi tuyệt đối không được mang ĐTDĐ vào khu vực thi, phòng thi.
Đặc biệt, TS và phụ huynh cũng cần lưu ý những tuyến đường kẹt xe và nên tính toán thời gian đi – đến địa điểm thi sớm hơn ít nhất từ 30 phút đến 1 giờ trong ngày thi để tránh kẹt xe.
Cần Thơ: Còn hơn 2.000 chỗ trọ miễn phí cho TS
Chiều 7-7, anh Lương Hiển Đạt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội sinh viên TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại ký túc xá ĐH Cần Thơ và Cao đẳng Cần Thơ còn gần 2.000 chỗ trọ miễn phí cho TS”. Ngoài ra, 11 chùa và 7 gia đình phật tử trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy còn khoảng 300 chỗ trọ miễn phí.
Bạn đọc Báo SGGP ủng hộ TS nghèo Báo SGGP ngày 6-7 có bài “Khát vọng!”, viết về trường hợp bà Nguyễn Thị Lệ và con là TS Huỳnh Thảo Quyên vượt bao khó khăn vật chất để dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sau bài viết, một bạn đọc Báo SGGP cũng đang dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trích số tiền dành dụm 500.000 đồng nhằm san sẻ khó khăn giúp TS Thảo Quyên tiếp tục thực hiện ước mơ làm cô giáo tiểu học. |
Nhóm PV