Trong những scandal xung quanh các “chân dài” có danh hiệu và sắp có danh hiệu, lùm xùm nhất, ồn ào nhất hiện nay là vụ bê bối phì phèo thuốc lá trong một quán cà phê ở Hà Nội của đương kim hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Sự việc được đẩy lên tới đỉnh điểm khi ban tổ chức phải họp khẩn nhằm xem xét tình tiết, đánh giá ưu, nhược từ lúc đăng quang đến lúc sắp mãn nhiệm kỳ để từ đó có cái nhìn khách quan: có cần tước vương miện hay cứ để người đẹp này đội tiếp một thời gian? Nó giống như việc phải tiến hành lấy mẫu, kiểm định, phân tích tính chất hóa lý, cảm quan… trước lúc công bố thủ phạm gây ô nhiễm môi trường để công luận phải “tâm phục, khẩu phục”. Điều đó có nghĩa là sắc đẹp cũng không có ngoại lệ, cũng phải nằm trong “quy trình” đánh giá chung, thậm chí còn đòi hỏi cao hơn tiêu chuẩn bình thường vì là hiện thân của cái gọi là đẹp hoàn hảo.
Với riêng Kỳ Duyên, dư luận nói chung đa phần đều bỏ phiếu “tín nhiệm thấp” từ khi cô đăng quang năm 2014 với nhiều điều tiếng trong khâu chấm giải cho đến khi thực hiện các nghĩa vụ cần có của một hoa hậu. Phải nói rằng, ai cũng thở dài ngao ngán trước cách ứng xử, phát ngôn và hành động “không giống ai” của một hoa hậu đang tại vị, như những hành vi “giả dối” khi làm từ thiện, ngồi hớ hênh trên khoang máy bay, say xỉn trong một quán bar…rồi cả hành vi xin lỗi không thành thật lấy lý do “muốn thể hiện mình” trong sự cố hút thuốc như đã nói ở trên.
Thật ra, đối với một phụ nữ bình thường, việc hút thuốc lá và ngay cả hút thuốc lào (dân dã) cũng là chuyện bình thường như cuộc sống vốn có, nhưng đối với người của công chúng, hơn nữa là tấm gương biểu tượng cho cái đẹp từ trong ra ngoài, cái đẹp không tì vết, thì chắc chắn đó là điều không thể chấp nhận. Người ta cho rằng ở nhiều nước, ngay cả các nước phát triển vốn có lối sống thông thoáng cũng đã không ít lần các hoa hậu bị thẳng tay tước vương miện vì làm hoen ố hình ảnh sau khi đăng quang. Có thể kể ra từ chuyện tăng cân không kiểm soát, tới khai gian tuổi, mang thai, có chồng trước khi đi thi…, nhưng ở nước ta, chuyện tương tự là chưa có tiền lệ. Và thôi, “chín bỏ làm mười”, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, việc tước danh hiệu chỉ là việc cực chẳng đã… trừ phi người mang vương miện tự giác gửi trả lại.
Nhìn lại các cuộc thi sắc đẹp trên cả bình diện trong nước lẫn thi thố ngoài nước, điều dễ thấy là có gì đó giông giống với các sản phẩm văn học và điện ảnh: lượng nhiều nhưng chất chẳng bao nhiêu. Trong nước, cuộc thi hoa hậu Việt Nam đã có thâm niên 30 năm có lẻ, nghĩa là đã có bề dày, song ngoài chiếc vương miện trị giá vài tỷ bạc, có đính đủ thứ đá quý, ngọc trai, thì gần như khán giả không mấy ấn tượng với các chủ nhân sẽ sở hữu chúng. Mà đây là cuộc thi quy mô nhất, hoành tráng nhất…và liệu chúng ta có quá khắt khe không khi ngay ở vòng chung khảo Hoa hậu khu vực phía Nam đã có tố cáo về vi phạm bản quyền ca khúc? Điều ong tiếng ve còn đầy rẫy trong vô vàn các cuộc thi người đẹp khác, với các màn tố mua điểm, đố kỵ, thù ghét, ganh đua trên con đường tranh đoạt vương miện. Đến mức các cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ còn được ví như thi đại học - cao đẳng khi nguồn tuyển đã kiệt quệ, không còn chút dư địa cho các hệ thấp hơn. Đối với người xem, sau khi đã chứng kiến no nê sự phô diễn thể hình - cuộc thi nào cũng vậy, cũng ngần đấy cá thể, ngần đấy vòng đo - thì cái còn đọng lại duy nhất là sự ngỡ ngàng trước màn thi ứng xử cân đong đo đếm ngôi vị người đoạt giải.
Tại cuộc thi hoa khôi áo dài được phát sóng liên tục, khi trả lời câu hỏi “Hãy cho chúng tôi biết, tại sao bạn xứng đáng với ngôi vị hoa khôi?”, một thí sinh đẹp đến từng xăng-ti-mét đã không khỏi e thẹn đáp: “Trong rừng hoa thì mỗi bông hoa có vẻ đẹp riêng, mùi thơm riêng, nhưng hiện tại bông hoa tỏa sáng có vẻ đẹp lớn nhất đó chính là em…”. Cô gái này sau đó tự tin hy vọng mình đủ sức ra đấu trường quốc tế “mang lại tinh hoa văn hóa, vẻ đẹp Việt Nam đến các bạn năm châu”. Tự tin là đáng quý, nhưng liệu mức độ vẻ đẹp về trí tuệ cỡ như vậy có mang thành công cho chúng ta khi “mang chuông đi đánh xứ người”? Thống kê cho thấy, nhan sắc Việt đã chinh chiến 20 năm ở đấu trường sắc đẹp tầm cỡ thế giới, song kết quả là khá khiêm tốn khi phần đông cũng chỉ lọt qua “vòng gửi xe”, ở tốp 15-20. Điều này được lý giải rằng tuy ta có thua một chút về số đo hoàn hảo (như được vòng 1 thì hỏng vòng 3, được vòng 3 thì mất vòng 2) song đã không được đào tạo bài bản chuyên nghiệp về cách thức thể hiện bản thân, rồi rào cản ngoại ngữ khi giao tiếp… Chung quy cái gốc vẫn là văn hóa. Cái quyết định vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam với chất Á Đông, tảo tần, chịu thương chịu khó… như cha ông ta đã dạy: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Và để tránh nguy cơ tụt hậu về nhan sắc, cũng như tránh thảm họa như vụ hoa hậu Kỳ Duyên, thì cần lắm những quy định rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đại diện cho vẻ đẹp quốc gia, tức là phải có tiền kiểm, trung kiểm và hậu kiểm cho các hành động, phát ngôn, ứng xử văn hóa của hoa hậu…
BÍCH AN