Năm nay 4/6 môn thi tốt nghiệp THPT thuộc về các môn khoa học xã hội. Trong đó, môn Lịch sử, vốn được xem là môn thi “khó xơi” nhất, sau một năm vắng bóng đã quay trở lại với kỳ thi tốt nghiệp. Nếu không có phương pháp ôn tập tốt, thí sinh sẽ khó lòng đạt được điểm cao.
Bàn về phương pháp ôn tập môn thi này, cô Nguyễn Ái Hằng, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường THPT Trần Phú, nhận định: “Học Lịch sử cũng như học các môn tự nhiên toán, lý, hóa, phải vừa học thuộc lòng kiến thức vừa viết ra giấy (như gạch đầu dòng ý chính, lập sơ đồ các mốc thời gian, kẻ bảng so sánh điểm giống và khác giữa các sự kiện…), sau đó đọc đi đọc lại những tập giấy tóm tắt này từ 2-3 lần mới khắc sâu được kiến thức”. Việc ghi nhớ ngày tháng năm diễn ra sự kiện có thể dùng cách liên tưởng thực tế cho sinh động, dễ nhớ. Ví dụ như ngày tháng năm lịch sử liên quan đến ngày sinh, ngày cưới, ngày giỗ của ai đó thân thiết trong gia đình, hoặc ngày kỷ niệm họp mặt, chia tay...
Ngoài ra, để không bị rối trước khối lượng kiến thức đồ sộ của chương trình Lịch sử lớp 12, theo TS Phạm Phúc Vĩnh, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, trước khi ôn tập từng nội dung cụ thể, người học cần nắm khái quát tiến trình lịch sử Việt Nam và thế giới qua từng giai đoạn, sau đó mới liên kết, xâu chuỗi, tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện trong từng giai đoạn.
Ví dụ như khi học về lịch sử Việt Nam, trước khi ôn tập cụ thể từng vấn đề cần khái quát thành các chủ điểm lớn. Chẳng hạn cuộc đời Nguyễn Ái Quốc trải qua bao nhiêu thăng trầm với những mốc thời gian hoạt động cách mạng cụ thể nào, quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua bao nhiêu giai đoạn chính...
Đặc biệt, việc nhóm các chuỗi sự kiện có cùng đặc điểm, ý nghĩa lịch sử, hoặc liên quan mật thiết về mặt thời gian thành một chủ đề lớn để ghi nhớ cũng là một trong những cách học giúp thí sinh ôn tập kiến thức hiệu quả. Sau khi nắm được các mảng lớn, các em tiếp tục “chẻ” vấn đề ra thành từng phần nhỏ để đi sâu vào từng diễn biến, sự kiện. Như vậy, sau quá trình ôn luyện, học sinh không chỉ có cái nhìn khái quát, mang tính chất hệ thống về cả quá trình lịch sử mà còn nắm vững được các chi tiết cụ thể của từng thời kỳ, giai đoạn. Khi đó, đề thi dù ra ở dạng nhận định khái quát hay phân tích diễn biến, học sinh đều dễ dàng làm được.
Khi vào phòng thi, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi, viết ra giấy nháp các ý chính cần có trong phần trả lời, nên nhớ bài làm môn Lịch sử không cần dài nhưng phải đầy đủ và chính xác. Đối với những sự kiện không nhớ rõ ngày tháng năm, thí sinh không nên ghi đại cho có mà nên liên hệ với các sự kiện khác trong cùng giai đoạn, chỉ ra mốc thời gian tương đối, ví dụ như không ghi tháng mà chỉ ghi năm, không nhớ ngày cụ thể thì cho biết vào khoảng đầu, giữa hay cuối tháng đó. Giáo viên khi chấm tùy vào cách trình bày vẫn có thể cho các em điểm cho phần trả lời đó.
Đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử nhiều năm qua bao gồm 3 - 4 câu hỏi, mỗi câu có thang điểm chấm bài khác nhau. Để tránh tình trạng không kịp thời gian, thí sinh nên làm bài theo nguyên tắc câu nào thuộc hoặc có số điểm cao nhất làm trước, câu nào không chắc hoặc điểm số không cao làm sau.
Minh Thư