Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gặp gỡ với đại diện các sở - ngành TP và các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS). Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS năm 2012 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, từ cái khó của thị trường BĐS trong năm 2011, cộng với chính sách tín dụng vừa được NHNN công bố, cho thấy nguồn cung tiền cho BĐS sẽ vẫn tiếp tục bị siết. Việc này không chỉ gây khó khăn cho các DN BĐS mà các nhà đầu tư thứ cấp và cả người dân cũng bị ảnh hưởng.
“Lối ra” cho căn hộ
Theo các DN BĐS, cản ngại lớn nhất làm cho thị trường BĐS “bất động” nhiều năm qua là do nguồn tín dụng cho BĐS bị siết quá chặt. Lãi suất cho vay cao nên DN không thể triển khai đầu tư dự án. Hơn nữa, với lãi suất cao thì không thể tạo ra những căn hộ giá thấp được. Người dân có nhu cầu cũng khó kham nổi lãi suất vay để mua nhà.
Chia sẻ với các DN BĐS, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho rằng, ngoài tình hình khó khăn chung thì hiện “sân chơi” của các DN tại TP cũng bị thu hẹp do quỹ đất tại TPHCM không còn nhiều. Ông Kiệt cho biết, đất đô thị trong 5 năm gần đây tăng khoảng 400-500ha, trong khi 5 năm trước đó tăng 800ha. Điều này cho thấy tốc độ đầu tư những dự án mới đã giảm hẳn do thị trường quá khó khăn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP cho rằng, với nhu cầu nhà ở của TP từ nay đến năm 2015 sẽ cần 39 triệu m2 đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng. Theo ông Nam, thị trường đóng băng không phải do không phát triển đô thị nữa mà vì cung - cầu chưa gặp nhau.
Trong tình trạng thị trường BĐS “bất động” như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho biết có một tín hiệu vui từ chính quyền TP, đó là TP có chủ trương mua lại căn hộ tồn đọng trên thị trường để phục vụ tái định cư. “TP cũng cho biết khi mua sẽ đảm bảo cho DN có lãi”, ông Châu thông báo.
Theo ông Châu, với số lượng căn hộ tồn khá nhiều như hiện nay và khi chủ trương này được thực hiện không chỉ giúp TP có thêm quỹ nhà ngay để phục vụ nhu cầu tái định cư của các dự án mà còn tạo được “lối ra” cho những căn hộ tồn đọng, giúp các DN bán được hàng. Với thông tin này, nhiều DN cho rằng đây là một giải pháp tích cực để giải cứu thị trường hiện nay. Tuy nhiên, các DN cũng tỏ ra băn khoăn không biết những căn hộ nào được mua, phương thức thanh toán như thế nào vì tâm lý chung của DN rất ngán ngại với những thủ tục chuyển nhượng nhiêu kê, thời gian thanh toán kéo dài trong khi các DN đang “khát” vốn.
Cùng nhau vượt khó
Với tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, các DN BĐS phải chủ động và cố gắng và liên kết với nhau để vượt qua khó khăn trong năm nay. “Lúc này mà đi vay để tự triển khai dự án thì sẽ không trả lãi được và ngân hàng cũng không cho vay. Muốn nhanh chóng có sản phẩm, các DN người có đất, người thiết kế, người xây dựng cùng bắt tay nhau mới nhanh chóng có sản phẩm bán” - đại diện Công ty BĐS Nam Long đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, với tình hình này, DN BĐS nên triển khai ít dự án để có sản phẩm chứ không nên triển khai tràn lan như trước. “Bộ Xây dựng trong định hướng phát triển đô thị yêu cầu, khi xây dựng các dự án sẽ phải có ít nhất 2/3 số căn hộ nhỏ, lãnh đạo TPHCM cũng khuyến khích DN đầu tư căn hộ phù hợp thị trường, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào về tiêu chí thiết kế căn hộ nhỏ để triển khai”, ông Đực phản ánh.
Để khơi thông dòng chảy BĐS, các DN cho rằng, thị trường BĐS cần liên thông với thị trường vốn, tiền tệ. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết về phát triển các công cụ tài chính cho thị trường BĐS hiện nay như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS… Đại diện Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới TP sẽ thí điểm triển khai Quỹ tín thác BĐS đối với các dự án nhà ở an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dùng quyền sử dụng đất của dự án để thế chấp hoặc dùng chính dự án nhà ở xã hội (hình thành trong tương lai) để thế chấp vay vốn đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân đang làm việc trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi.
Nhung Nguyễn