Thị trường chứng khoán thế giới đổi chiều

Thị trường chứng khoán thế giới đổi chiều

Ngày 14-10, nối tiếp sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ khi kết thúc phiên giao dịch ngày 13-10 TTCK châu Á cũng đột ngột xoay chuyển 180 độ, màu đỏ tại các sàn giao dịch đã được thay thế bởi màu xanh mát mắt.

Lột xác ngoạn mục

Thị trường chứng khoán thế giới đổi chiều ảnh 1

Niềm vui trở lại với những nhà đầu tư chứng khoán.

“Thứ ba tươi sáng” của TTCK châu Á được đánh dấu bởi sự kiện giá trị chứng khoán Nhật Bản, một trong những nền kinh tế đứng đầu châu Á, tăng vọt lên 14%.

Chỉ số Nikkei 225 tại sàn giao dịch Tokyo tăng 1.171 điểm (14,15%) đạt 9.447,57 điểm. Con số này hoàn toàn trái ngược với phiên giảm 9,62% hôm thứ sáu tuần trước-phiên mất điểm lớn chưa từng có trong hai thập kỷ qua tại Nhật Bản.

Chỉ số Topix cũng theo chân Nikkei tăng 115,44 điểm (13,73%). Tại Sydney, kết thúc ngày giao dịch, giá trị cổ phiếu tăng 3,7%; 6,1% là giá trị giao dịch toàn thị trường ở Seoul (Hàn Quốc) và ở Hồng Kông (Trung Quốc) là 4,4%. Đồng loạt các chỉ số chứng khoán mạnh khác như Straits Times (Singapore), Composite (Kuala Lumpur, Malaysia)… cũng lần lượt tăng theo là 6,8%, 1,78%... Trong một số phiên giao dịch mở cửa tại TTCK châu Âu, giá trị chứng khoán Nga tăng mạnh 6,57%, tại Anh là 2,65% và Frankfurt (Đức) là 1,44%...

Việc lột xác ngoạn mục này phản ánh những biện pháp giải cứu của chính phủ các nước trên thế giới bước đầu đã có tín hiệu lạc quan. Lòng tin của các nhà đầu tư đã quay trở lại sau khi Mỹ tung ra gói trợ cứu trợ 700 tỷ USD và chính phủ các nước châu Âu rót hàng ngàn tỷ USD vào thị trường tiền tệ.

Tiếp tục những nỗ lực

Nhằm tiếp tục duy trì sự ổn định cho thị trường tài chính, Mỹ tuyên bố sẽ bơm 250 tỷ USD vào các ngân hàng nhằm cung cấp, duy trì luồng tiền ổn định cho các khoản cho vay của ngân hàng cũng như mua lại các cổ phần chủ chốt của một số ngân hàng và tổ chức tài chính Bank of America Corp, Wells Fargo, Citigroup… Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Bernanke phát biểu trên tờ Wall Street Journal cho rằng những giải pháp tới đây mà chính phủ Mỹ đưa ra không nằm ngoài mục đích chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện thời. Trước đó, Anh, Đức, Pháp cũng đã thông qua các gói giải cứu nền kinh tế cho riêng mình.

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng cần có những cải cách lớn về tài chính để hệ thống tài chính toàn cầu có thể đối phó được với những thách thức đặt ra trong thế kỷ 21, đặc biệt là đối với các nước nghèo trên thế giới. Những cải cách này phải đảm bảo sự ổn định và bảo vệ những thành tựu kinh tế đã đạt được của cả những nước phát triển và đang phát triển. Ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh LHQ cần xem xét hành động quốc tế khẩn cấp để đảm bảo rằng chương trình xóa đói giảm nghèo của LHQ được nghiêm túc thực hiện.  

V.C. (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục