
Đổi mới giáo dục đại học không thể là công việc của riêng ngành giáo dục mà cần phải có sự tham gia của mọi thành viên xã hội, trong đó vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) cũng hết sức quan trọng.
- Thị trường lớn cho CNTT
Điều dễ nhận thấy: mỗi trường ĐH ít nhất cũng cần có vài ba phòng máy vi tính để dạy tin học, xây dựng một thư viện điện tử, thiết lập mạng nội bộ, xây dựng website... cùng các nhu cầu trang bị máy vi tính cho các phòng ban chức năng. Giảng viên đại học và sinh viên cũng là đối tượng khách hàng rất lớn và tiềm năng bởi không ít người trong số họ đã trang bị máy tính xách tay để thuận tiện cho công việc mọi nơi, mọi lúc.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên truy cập tài liệu trong thư viện trường.
Theo đánh giá của trưởng phòng dự án của một doanh nghiệp phần mềm, thị trường này rất đáng để các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực CNTT quan tâm, từ tư vấn tổng thể, cung cấp giải pháp, mạng, phần mềm, phần cứng, bán lẻ, dịch vụ, đào tạo... Chính vì lẽ đó mà các doanh nghiệp, tổ chức đã chủ động tìm đến các trường để bàn bạc ở nhiều góc độ khác nhau như thu hút đầu ra nhân lực, hỗ trợ xây dựng các dự án ứng dụng CNTT, thậm chí cả việc liên kết đào tạo về ứng dụng CNTT cho các chương trình mà nhà trường chưa thể cung cấp.
Tuy nhiên, sự chủ động đó không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đơn cử một dự án do quỹ Ford Foundation tài trợ cho một đại học về nghệ thuật tạo hình năm 2003 đã không thể thực hiện nổi bởi dường như nhà trường không có nhu cầu.
- Giáo dục đại học cần gì ở CNTT?
Tuy nhiên, nói đến CNTT trong nhà trường đại học thì không thể chỉ là đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT, giảng dạy tin học cho sinh viên các ngành học, lưu trữ phổ biến thông tin khoa học, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý mà còn phải có tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài trong đó.
Việc đào tạo qua mạng (e-learning) chỉ là một trong nhiều vấn đề phải đặt ra. Riêng việc làm thế nào để thực hiện được e-learning, ngoài các điều kiện kỹ thuật cần thiết, loại hình đào tạo này chỉ phát huy hiệu quả cao khi những người làm giáo dục thấu hiểu và áp dụng được CNTT.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở e-learning mà còn phải tiến xa hơn đến những hợp tác giữa các lĩnh vực khoa học nói chung và CNTT nói riêng. Ai cũng có thể thấy, điện ảnh - nền “nghệ thuật thứ bảy” là thứ nghệ thuật được ra đời ở thế kỷ 19 nhờ các thành tựu khoa học công nghệ.
Từ đó đến nay, nền nghệ thuật này đã có những bước phát triển nhảy vọt nhờ vào các thành tựu khoa học, mà gần đây rõ nét nhất là sự ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, trường lớp cho nền khoa học này ở Việt Nam đến nay vẫn là khoảng trống và đạo diễn Đặng Nhật Minh – nguyên Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam- cho rằng nếu không có sự hợp tác giữa khoa học công nghệ và ngành điện ảnh thì sẽ không thể có được đội ngũ chuyên gia về âm thanh, kỹ xảo...
Điều mà ông mong muốn là chuyên ngành này phải được ra đời tại chính các đại học về khoa học công nghệ chứ không phải là theo hướng tập trung, đầu tư cho các đại học nghệ thuật.
Đề cập sang các lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, địa chất, dầu khí, khí tượng thủy văn, xây dựng... thì vấn đề phải được giải quyết theo hướng là chính các chuyên ngành đó phải ứng dụng CNTT để phục vụ cho nghiên cứu khoa học của mình.
Đương nhiên, yếu tố nguồn nhân lực cho nó phải kể cả việc bổ trợ thêm kiến thức CNTT cho đội ngũ giảng viên chuyên ngành chứ không chỉ theo định hướng phải học lên cao học chuyên ngành hay tuyển dụng thêm cử nhân, kỹ sư CNTT về làm giảng viên. Tóm lại, ứng dụng CNTT phải vì sự phát triển của chính các lĩnh vực khoa học và điều đó cần sự vận động nội tại của các trường đại học trong xu thế hội nhập.
TÂN KHOA