Thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất vào tháng 11 đã làm thị trường tài chính thế giới có những diễn biến đảo chiều, các chỉ số chứng khoán từ Âu, Á, Mỹ đều tụt giảm, giá dầu cũng giảm mạnh.
Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York (Mỹ)
Lo ngại lãi suất tăng đột ngột
Ngày 13-10, FED đưa ra thông cáo cho biết, tại cuộc họp thường kỳ diễn ra từ ngày 20 đến 21-9, nhiều thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho rằng việc sớm tăng lãi suất là điều hợp lý để ngăn chặn nguy cơ lạm phát giảm sâu hơn nữa so với ngưỡng mục tiêu 2%. Kể từ sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ vào ngày 16-12-2015, đến nay FED vẫn giữ nguyên biên độ lãi suất ở mức khá thấp 0,25%-0,5% nhằm tránh gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh.
Nhóm quan chức ủng hộ tăng lãi suất lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi ổn định và tăng trưởng việc làm tiếp tục ấn tượng, đồng thời cảnh báo việc trì hoãn tăng lãi suất có thể dẫn tới tình trạng FED đột ngột nâng lãi suất trong tương lai. điều này có thể tạo ra một cú sốc không mong muốn đối với nền kinh tế.
Theo số liệu chính thức công bố tuần trước của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo thêm được 156.000 việc làm mới trong tháng 9, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 4,9% lên 5%. Ông Joe Manimbo, chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu của Western Union, nhận định, thông tin mới nói trên là tín hiệu cho thấy ngân hàng này có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 11. Dự kiến, Ủy ban Thị trường mở Liên bang sẽ nhóm họp phiên cuối cùng trong năm 2016, từ ngày 1 đến 2-11, vài ngày trước khi nước Mỹ tiến hành cuộc tổng tuyển cử.
Nhiều chỉ số kinh tế giảm
Không chỉ ảnh hưởng từ thông tin cuộc họp của FED, thị trường tài chính thế giới đã có những phản ứng lo lắng về những thay đổi sắp tới ở vòng bầu cử Mỹ diễn ra ngày 8-11. Chỉ số Nasdaq giảm 0,15%, xuống mức 5.239 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones lại có phiên tăng điểm 0,09% và 0,11%, chạm mốc 18.144 điểm và 2.139 điểm.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số chứng khoán FTSE (Anh) giảm 0,45%, chỉ số DAX (Đức) giảm 1,09%, chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm 1,19%. Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,39%, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Công (Trung Quốc) giảm 1,61%. Ở thị trường năng lượng, giá dầu WTI giao tháng 11-2016 đã giảm 0,48%, xuống còn 49,94 USD/thùng, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 12-2016 giảm 0,29%, còn 51,66 USD/thùng.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,25% trong tháng 10-2016 nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Như vậy, lãi suất cơ bản ở Hàn Quốc được duy trì ở mức thấp kỷ lục này trong suốt 4 tháng, sau khi tháng 6 vừa qua, BOK bất ngờ hạ xuống từ mức kỷ lục trước đó là 1,5% với lý do cần phải hỗ trợ nền kinh tế. Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng trước chỉ đạt 40,9 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do các mặt hàng chủ chốt của Hàn Quốc như ô tô và thiết bị di động tiêu thụ chậm tại thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) ban hành một số chính sách mới thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực đầu tư tư nhân. Các chính sách mới gồm 26 giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng đầu tư, cải thiện dịch vụ tài chính, cắt giảm chi phí doanh nghiệp và các khoản phí, đổi mới dịch vụ hành chính, cải tiến hành lang pháp lý... Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho biết, đầu tư tài sản cố định 8 tháng đầu năm 2016 của khối tư nhân chỉ tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 8,1% của cả nước.
THANH HẰNG (tổng hợp)