Theo quy hoạch phát triển TDTT của TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, tỷ lệ người tập luyện thể thao chiếm khoảng 30% trên tổng số dân, riêng với các bậc học phổ thông trở lên, tỷ lệ là 80-100%. Những con số này cho thấy luôn có một thị trường dành cho các hoạt động kinh doanh trong thể thao, bởi từ việc tập luyện thường xuyên đến theo dõi và đam mê một môn thể thao cụ thể là rất gần. Tuy nhiên, thực tế đáng lo là tại TPHCM hiện nay số lượng các CLB thể thao chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiêu biểu như môn bóng đá, từ hạng chuyên nghiệp V-League đến bán chuyên nghiệp là hạng nhì, chỉ có 2 đội. Môn bóng chuyền cũng chỉ có 2 đội/2 hạng đấu quốc gia. Các môn bóng bàn, xe đạp, quần vợt chỉ có 1 CLB duy nhất được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp do các doanh nghiệp đầu tư.
Ở một góc độ khác, cách làm của CLB bóng rổ Saigon Heat lại phô bày sự lãng phí của thể thao chuyên nghiệp TPHCM. Dù bóng rổ không phải là môn chơi phổ biến, số lượng sân tập chuyên biệt cho môn này không có nhiều, thế nhưng Saigon Heat vẫn có lượng khán giả đông đảo, có doanh thu ổn định từ bán vé cũng như tài trợ, quảng cáo, có hoạt động truyền thông rộng khắp trên cả nước.
Thành công đó xuất phát từ việc chọn lựa thị trường, khi Sai Gon Heat nhắm đến lượng khán giả có thu nhập cao, có nhu cầu giải trí lành mạnh và chuyên nghiệp. Đây là lý do mà sau 3 năm thi đấu ngay trung tâm thành phố, 2 mùa giải gần nhất, CLB Sai Gon Heat chuyển sang thi đấu tại khu vực quận 7 để tạo ra một món ăn tinh thần không thể thiếu cho cư dân nơi đây. Nói cách khác, họ đã phân tích và chọn lựa thị trường riêng cho mình.
Thực ra, cách làm của Sai Gon Heat không có gì mới mẻ. Trước đây, các môn bóng đá, bóng chuyền của TPHCM phát triển rầm rộ cũng nhờ chọn cho mình thị trường mục tiêu, hình thành nên các CLB đại diện cho một bộ phận dân cư thành phố, tạo ra các “thương hiệu” đình đám như Cảng Sài Gòn, Seaprodex… Nhưng qua thời gian, quá trình tạo “thị trường riêng” không được chú trọng, dẫn đến đánh mất lượng khán giả và kết thúc bằng sự biến mất của những cái tên vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người hâm mộ thể thao thành phố.
Trong bối cảnh thể thao phải “cạnh tranh” với nhiều loại hình giải trí khác, rồi các môn thể thao cũng phải cạnh tranh với nhau hay với thể thao thế giới, việc tìm thị trường theo từng phân khúc, đối tượng là xu thế bắt buộc nếu muốn phát triển mảng chuyên nghiệp. Số lượng người chơi thể thao không giảm, người quan tâm đến thể thao thành tích cao vẫn tăng đều thông qua số lượng các giải đấu được mua bản quyền trên truyền hình, thế nên việc sụt giảm số CLB chuyên nghiệp tại TPHCM là một nghịch lý mà các nhà quản lý cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp. Càng ít các CLB chuyên nghiệp thì ngành thể thao càng phải tốn ngân sách để duy trì thành tích đỉnh cao theo mô hình “bao cấp”. Ngành thể thao thành phố không thể cứ thụ động ngồi đợi sự xuất hiện của những CLB như Sai Gon Heat (bóng rổ) hay Hà Nội (bóng đá) mới nhìn thấy sự trống trải của một thị trường thể thao chuyên nghiệp có qui mô hàng triệu người, nhưng lại không hề có nhiều “sản phẩm” để tiêu thụ.
VIỆT QUANG