Hơn 1 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được tổ chức. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã ra đời và được quảng bá, được nhân dân hoan nghênh, nhiều tiết mục văn nghệ về Bác Hồ kính yêu đã được biểu diễn và người xem ngợi khen…
Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, xin đề xuất một việc cụ thể:
Trong Di chúc Bác Hồ viết tháng 5-1968 có đoạn: Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn.
Mấy dòng trên tuy thật ngắn gọn nhưng cũng cho ta thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xa của Người. Lâu nay dân ta có thói quen địa táng (mai táng), tức là chôn người chết xuống đất. Việc này ảnh hưởng rất xấu đến môi trường. Nước ngầm quanh nghĩa địa bị ô nhiễm. Điển hình là toàn bộ vùng lân cận nghĩa trang Văn Điển (thành phố Hà Nội) không thể dùng nước ao hồ, nước giếng (dù đã đào khá sâu) vào bất cứ việc gì. Đa số nhân dân miền Bắc còn có tập quán chia việc an táng thành 2 bước. Bước 1 (còn gọi là hung táng): đặt người chết vào quan tài gỗ rồi chôn xuống đất. Sau đó khoảng 3 – 5 năm mới tiến hành bước 2 (còn gọi là cải táng hoặc tắm rửa cho người chết): đào quan tài lên, nhặt xương người chết đặt vào trong tiểu sành rồi lại đem chôn. Khỏi phải nói cũng thấy việc cải táng như vậy mất vệ sinh như thế nào. Ngoài ra, kèm theo việc cải táng thường là cỗ bàn ăn uống…
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ viết những dòng trên, bây giờ chính là lúc cần làm cho việc điện táng, hỏa táng trở thành phổ biến trong xã hội. Thật vậy, hiện nay đất trồng trọt đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt vì phải nhường chỗ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu dân cư… mọc lên như nấm sau mưa!
Đã thế, ở một số nơi người dân còn đua nhau xây mộ thật to, thật đẹp, chiếm nhiều diện tích đất. Mặt khác, nhu cầu về lương thực không ngừng tăng lên do dân số tăng, do cần gạo xuất khẩu để thu ngoại tệ mạnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn lúc nào hết, bài toán sử dụng đất thật hợp lý, tiết kiệm đang được đặt ra một cách gay gắt. Chính vì thế, từ bỏ tập quán mai táng người đã khuất, làm cho việc điện táng, hỏa táng trở thành phổ biến trong xã hội ta không chỉ là việc nên làm, mà là việc cần làm ngay. Đó chính là làm theo Di chúc của Bác Hồ, thiết thực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trần Trọng Thuyết