
- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Không cắt điện của khối sản xuất
Ngày 9-3, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng đại diện một số bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề phát triển điện năng và đối phó với nguy cơ thiếu điện. Tại đây, EVN chính thức xin phép Chính phủ cho cắt điện.
- Đề nghị được cắt giảm thêm khoảng 640 triệu kWh

Một người dân tại quận Tân Bình lắp đặt pin mặt trời sử dụng thắp sáng đèn dùng trong gia đình. Ảnh: CAO THĂNG
Để giảm bớt “cơn khát điện” đã được dự báo, trong cuộc họp hôm qua, EVN đã kiến nghị với Chính phủ cho phép được cắt điện để bù vào lượng điện trong trường hợp các địa phương không thực hiện các định mức tiết kiệm điện đã cam kết với EVN trong các cuộc làm việc gần đây. Để “chắc ăn”, EVN kiến nghị Thủ tướng cắt giảm 10% kinh phí sử dụng điện so với thực hiện năm 2006 khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp.
Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng kiến nghị tiếp: trong trường hợp phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao hơn dự báo (16%-17%), đề nghị cho phép EVN lập lịch cắt điện các khu vực tiêu thụ điện lớn nhằm bảo đảm điện cho khối sản xuất và các nhu cầu thiết yếu. Vì, theo ông Hưng, 2007 là năm đặc biệt khó khăn của tập đoàn trong việc cung ứng điện. Dù EVN đã có một số cố gắng như duy trì mức nước các hồ chứa thủy điện, tăng cường mua điện của Trung Quốc, đẩy mạnh tiết kiệm điện… nhưng từ tháng 1 đến nay, liên tiếp xuất hiện những yếu tố gây bất lợi, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện, nhất là cho 3-4 tháng tới. Nếu như mới đây, EVN thông báo thiếu khoảng 141 triệu kWh trong 3 tháng mùa khô thì tại buổi làm việc ngày hôm qua, EVN chính thức đề nghị Chính phủ chấp thuận cho EVN được dự phòng phương án thực hiện cắt giảm thêm khoảng 640 triệu kWh.
- EVN phải lập kỹ phương án sử dụng điện
Cổ phần hóa Tại cuộc họp trên, EVN cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng và phần lớn đã được Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Đáng quan tâm nhất là Phó Thủ tướng đồng ý về đề nghị của EVN cho phép thành lập Công ty cổ phần Truyền tải điện, trong đó EVN nắm giữ 51% để kiểm soát quá trình truyền tải và “tránh tình trạng độc quyền”. Đây là điểm rất mới vì từ trước đến nay, Chính phủ luôn khẳng định không thực hiện cổ phần hóa khâu truyền tải, phân phối điện để bảo đảm an ninh năng lượng. |
Sở dĩ có tình trạng trên, theo EVN là do Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 2x58MW) do Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư đã không đưa vào vận hành đúng tiến độ trong năm 2006. Đến nay, nhà máy vẫn chưa vận hành được và dự kiến trong năm nay chỉ phát được 1 tổ máy có công suất 50 MW, giảm sản lượng 300 triệu kWh. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300 MW) cũng chưa chắc chắn được ngày phát điện.
Đáng lo ngại hơn, các nguồn cung cấp khí cho sản xuất điện lại đang gặp nhiều vấn đề. Khí Nam Côn Sơn bị sự cố, khí Cửu Long chỉ cấp được 1,7-1,9 triệu m3/ngày. Đến khi khí Nam Côn Sơn có thể cung cấp ổn định thì khí Cửu Long lại bất ổn (chỉ cấp được 70.000-75.000m3/h trong tháng 2). “Đáng lo lắng nhất là việc PetroVietnam đang đề nghị dừng toàn bộ cung cấp khí Nam Côn Sơn trong 14 ngày tháng 6 (gây thiếu hụt điện lên tới 676,4 triệu kWh cho nhiệt điện Phú Mỹ)”, ông Hưng nói.
Vì thế, trong trường hợp không lùi được thời điểm cắt khí 14 ngày trong tháng 6 của khí Nam Côn Sơn, EVN sẽ cắt giảm thêm khoảng 640 triệu kWh.
- Không để thiếu điện cho sản xuất

Công trình xây dựng Nhà máy Khí điện Cà Mau đang được Tổng công ty Lắp máy Việt Nam khẩn trương thi công 2 tuốc bin đầu tiên, công suất 500KW phát điện vào cuối tháng 3-2007, cung ứng cho mùa khô năm 2007. Ảnh: THÀNH TÂM
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “EVN phải bảo đảm đủ điện trên tinh thần tiết kiệm tối đa, nhất thiết không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất”. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Petro Vietnam cố gắng giảm thiểu số ngày ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn, chỉ ngừng cấp khí tối đã là 2 ngày trong tháng 6. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản VN phải khắc phục khó khăn, sớm đưa vào vận hành đúng tiến độ các nhà máy điện. Bên cạnh đó, EVN được chỉ đạo phải tăng lượng điện mua của Trung Quốc.
Đại diện PetroVietnam cho biết sẽ cố gắng tối đa để không ngừng cung cấp khí trong tháng 6, còn nếu phải ngừng (1,5-2 ngày) vẫn có khả năng cấp 3-4 triệu m3 khí. Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản VN cũng báo một tin vui: ngày 13-3 tới sẽ vận hành tổ máy số 1 và đến tháng 6 sẽ vận hành đủ 100MW Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn. Riêng Nhà máy Điện Na Dương sẽ vận hành, cung cấp đủ 720 triệu kWh trong năm 2007.
Để chuẩn bị cho phương án xấu nhất (cắt điện), Phó Thủ tướng yêu cầu “EVN cần phải rà soát lại toàn bộ tình hình tiêu thụ điện trên toàn quốc để lên phương án điều hành cho hợp lý. Phải xác định các phương án sử dụng điện, thông báo cho các địa phương. Còn nếu vượt quá yêu cầu mới thực hiện cắt điện. Nếu cần thiết, xây dựng và trình Thủ tướng các chế tài nếu không thực hiện tiết kiệm điện”. Phó Thủ tướng chấp thuận đề nghị của EVN và yêu cầu Bộ Tài chính đưa vấn đề tiết kiệm điện vào việc phân bổ ngân sách.
NAM QUỐC