Thiếu giáo viên mầm non và tiểu học: Đến hẹn lại than!

Mới đây, tại phiên trả lời chất vấn đại biểu trong kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM khóa IX, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Lê Hồng Sơn cho biết chuẩn bị cho năm học 2016-2017, TPHCM cần tuyển 1.427 giáo viên tiểu học, nhưng hiện tại các quận, huyện mới tuyển được 2/3 chỉ tiêu đăng ký, số còn lại phải tiếp tục tuyển trong năm học. Đây là tình trạng chung của hai bậc mầm non và tiểu học khi vào đầu mỗi năm học, câu chuyện tuyển dụng luôn làm đau đầu các địa phương.
Thiếu giáo viên mầm non và tiểu học: Đến hẹn lại than!

Mới đây, tại phiên trả lời chất vấn đại biểu trong kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM khóa IX, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Lê Hồng Sơn cho biết chuẩn bị cho năm học 2016-2017, TPHCM cần tuyển 1.427 giáo viên tiểu học, nhưng hiện tại các quận, huyện mới tuyển được 2/3 chỉ tiêu đăng ký, số còn lại phải tiếp tục tuyển trong năm học. Đây là tình trạng chung của hai bậc mầm non và tiểu học khi vào đầu mỗi năm học, câu chuyện tuyển dụng luôn làm đau đầu các địa phương.

Lệch cung - cầu

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến hết ngày 10-8, số lượng hồ sơ ứng viên đăng ký ở hai bậc mầm non và tiểu học đang rơi vào tình trạng “nơi cần không có, nơi có không cần”. Cụ thể, tại Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, nếu như bậc mầm non cần tuyển 94 giáo viên nhưng mới có 46 hồ sơ đăng ký thì đối với bậc tiểu học, nhu cầu tuyển dụng chỉ khiêm tốn 6 người song lại có hơn 70 hồ sơ đăng ký.

Tương tự, tại Phòng GD-ĐT quận 10, giáo viên mầm non cần tuyển mới 38 người, trong đó có 2 giáo viên dạy học sinh khuyết tật nhưng chưa có hồ sơ nào đăng ký, trong khi tiểu học chỉ tuyển 24 giáo viên đã nhận được 94 hồ sơ. Riêng ở quận Tân Bình, đối với bậc mầm non, năm học này cần tuyển thêm 10 nhân viên cấp dưỡng nhưng đến nay vẫn “trắng” hồ sơ đăng ký. Đồng cảnh ngộ, quận Phú Nhuận tuyển 3 nhân viên thiết bị trường tiểu học nhưng chưa có hồ sơ nào đăng ký.

Cô Trần Thị Ngọc Châu, Trường Mầm non 27 (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong giờ kể chuyện cho các bé

Theo ông Lê Hồng Sơn, đối với bậc tiểu học, TP mới đảm bảo giáo viên phụ trách hai môn chính là Tiếng Việt và Toán, còn lại các môn năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Nguyên nhân là do nguồn đào tạo đội ngũ đặc thù này ở các trường sư phạm hiện nay còn hạn chế. Mặc dù nhiều năm trước, TP đã đặc cách cho các quận, huyện tuyển dụng giáo viên diện KT3 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Đối với mầm non, hiện nay nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn TP vẫn chịu cảnh 2 giáo viên/lớp với sĩ số 55 - 60 học sinh, vượt quá định mức giáo viên/lớp do Bộ GD-ĐT quy định. Ngoài ra, nhiều vị trí lao động khác như cấp dưỡng, nhân viên y tế, bảo vệ, dù có quy định trong biên chế song các trường phải hợp đồng thêm với lao động bên ngoài mới đảm bảo yêu cầu hoạt động. Nhiều trường hợp, đơn vị phải hợp đồng thêm lao động đã về hưu hoặc chấp nhận tăng phụ cấp để giữ chân người lao động.

Cần vai trò của một nhạc trưởng

Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP cho biết, TPHCM đang chủ trương xây dựng mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó có yêu cầu giảm sĩ số học sinh/lớp dẫn đến giảm định biên giáo viên. Trước mắt, địa phương sẽ luân chuyển số biên chế giáo viên dôi dư này qua các trường không theo mô hình tiên tiến hoặc trường mới đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, tổng quy mô giáo viên vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế của các đơn vị. Đặc biệt đối với bậc mầm non, do áp lực và cường độ lao động lớn trong khi thu nhập chưa tương xứng, đã khiến năm nào cũng có số lượng người bỏ việc hoặc “chảy máu” sang khu vực ngoài công lập khá lớn. Từ thực tế đó, nhiều địa phương kiến nghị TP nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ tiền lương, phụ cấp tăng thêm cho giáo viên ở các bậc học đặc thù, đồng thời mở rộng quy định đối tượng xét tuyển để kịp thời giải bài toán thiếu giáo viên đã tồn tại nhiều năm qua của TP. Trong đó, công tác dự báo phải được tổ chức đồng thời giữa số lượng học sinh tăng thêm qua từng năm học và nhu cầu tuyển dụng thực tế tại các địa phương để có lộ trình thực hiện phù hợp, tránh tình trạng trường xây xong phải chờ giáo viên.

Bên cạnh đó, tuyển dụng giáo viên hiện nay ở hai bậc mầm non và tiểu học được đẩy trách nhiệm về phía địa phương. Trong đó, có nơi làm tốt, dự báo số lượng cần tuyển từ rất sớm, song cũng có nơi đầu tháng 8 mới công bố nhu cầu tuyển dụng khiến công tác thực hiện bị chậm trễ, ứng viên không có nhiều thông tin về đơn vị xét tuyển. Do đó, các địa phương kiến nghị Sở GD-ĐT đẩy mạnh hơn nữa vai trò nhạc trưởng của mình trong việc điều phối, dự báo nguồn tuyển cũng như ký kết hợp tác với các trường sư phạm để tăng thêm nguồn tuyển giáo viên chất lượng cao cho TP. Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 trường đào tạo khối ngành sư phạm (6 trường đại học, 3 trường cao đẳng) nhưng hiệu quả chưa như mong đợi do việc đào tạo mới chạy theo số lượng, chưa dựa trên các cơ sở dự báo khủng hoảng thừa giáo viên. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị phát huy tốt hơn vai trò của hiệu trưởng trong tuyển dụng giáo viên. Trong đó, không chỉ tập trung tuyển dụng về chuyên môn mà còn phải tính đến các yếu tố chiến lược, tầm nhìn của đơn vị, xem xét ứng viên có phù hợp với điều kiện, môi trường giáo dục của nhà trường hay không để đưa ra các chính sách tuyển dụng phù hợp.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục