(Thương tiếc nhà thơ Huy Phương 1927 – 2009)
Mùa thu 1949, tôi từ giã thành phố Huế thơ mộng còn bị giặc lấn chiếm để ra vùng kháng chiến, tuy gọi rằng dứt khoát song lòng còn không biết bao vấn vương. Phải đâu dễ dàng rời bỏ một nơi như vậy, nhất là ra đi mà không biết bao giờ trở về. Nhưng tôi đã nguôi được phần thương nhớ khi thấy bên cạnh mình, cùng với mình có biết bao người Huế khác, còn Huế “rặt” hơn tôi, cũng dứt áo ra đi, cũng một tâm tình như tôi, hoặc còn sâu nặng hơn.
Trong một buổi họp mặt các bạn bè đồng hương, Tân Nhân ngâm bài thơ “Em tôi” của Huy Phương, những câu thơ như mang một nỗi nhớ thương chung về Huế lúc này như một kỷ niệm xưa đã thuộc về “thuở ấy”: Thuở ấy miền Hương Ngự/ Dịu dàng như một lá thư xanh/ Một dòng sông xinh/ Đôi bờ thông nhỏ/ Có con đường ngát gió/ Về Nam Giao bóng nắng chênh chênh…
Từ 1950, tôi và nhiều bạn cùng mê thơ Huy Phương, mê cả nhà thơ. Chúng tôi thuộc thơ anh. Thuở ấy, thơ in trên báo, in thành sách còn khó. Thơ thường được đọc, được ngâm trước đông người, có ba đối tượng chính: trí thức, bộ đội, công nông. Thơ cần phải đến với quần chúng, tức là số đông người hơn, với những chiến sĩ ở tiền phương, người nông dân ở hậu phương và ít hơn mà quý hơn là những người công nhân trong các xưởng máy thô sơ ẩn náu giữa rừng sâu.
Trong phong trào chung, Huy Phương cũng tạm gác những bài thơ thủ thỉ, tâm tình lại để làm thơ kể chuyện. Bài thơ “Chuyện anh Hoe Tân về nghỉ phép” đã ra đời trong bối cảnh đó. Hơn 50 năm qua rồi, ngày nay đọc lại bài thơ mà chính tôi đã nhiều lần “độc tấu” trước đồng bào, tôi xiết bao cảm động. Không chỉ vì cái chất mộc mạc dân dã của bài thơ, cái “thiện chí phục kịp thời” của nhà thơ, mà quan trọng là vì cuộc sống và con người một thời trong đó. Có lẽ ngày nay, nhiều người nghĩ đó là một bài thơ “tuyên truyền”, song tôi biết đó là “người thật, việc thật”, những chuyện đó tôi đã từng chứng kiến, chỉ có điều không thể viết thành văn, thành thơ.
Đọc lại những tác phẩm như thế, quả không nén được mỉm cười, song ngay sau đó muốn trào nước mắt. Ôi, sự hy sinh của đồng bào ta qua 30 năm! Những bài thơ như của anh Huy Phương có lẽ không thuộc dòng “Văn chương tao nhã, bác học” song nên được sưu tầm, gìn giữ lại như những tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa, từ đó có thể dựng lên những tượng đài khắc bên dưới hai chữ: Nhân Dân.
Anh Huy Phương có năng khiếu, tài hoa về thơ rất sớm, nhưng tôi biết từ dạo ấy, mộng tưởng sáng tác của anh không phải là thơ. Thơ của anh chỉ để “ngôn chí” mà thôi, mộng tưởng của anh là văn, là truyện, là tiểu thuyết, chỉ có văn mới “tải đạo” được. Dĩ nhiên thơ phải là nguồn, là nền của văn. Tôi nhớ từ dạo ấy, anh đã nói với tôi: Phải viết văn, viết tiểu thuyết mới “đã”! Từ dạo ấy, anh đã theo đuổi những cuốn tiểu thuyết về nhà máy, về công nghiệp, về giai cấp công nhân, mặc dù anh biết đây là việc rất mới, rất khó, đầy thử thách không dễ vượt qua.
Nhưng chính vì theo đuổi ước mộng tiểu thuyết của mình nên từ năm 1954, Huy Phương có phần sao nhãng với thơ, chỉ thỉnh thoảng mới “ngôn chí” trong một đôi bài. Chính vì vậy nhà thơ Huy Phương chỉ thấp thoáng đằng sau nhà văn Huy Phương. Và chính anh đôi lúc cũng quên ở mình điều đó. Đến 2004, tập thơ “Trên lối đi này” của anh trải qua nửa thế kỷ có thể giúp chúng ta nhìn lại cùng anh những chặng đường thơ của anh và riêng tôi, tôi tin tưởng khẳng định: chúng ta đã có một nhà thơ Huy Phương. Nói như Chế Lan Viên, anh không chỉ có những bài thơ, anh đã có một đời thơ. Và cái cảm giác của chúng ta khi đứng trước một đời thơ so với đứng trước những bài thơ, rất khác. Trước một đời thơ là trước một đời người.
Đọc thơ Huy Phương, điều rõ rệt nhất là dấu vết cái di sản, cái truyền thống của “Thơ mới” đối với anh rất ít. Anh thuộc các nhà thơ hoàn toàn của nửa sau thế kỷ XX, một nhà thơ mới sau “Thơ mới”. Ngay những bài thơ đầu tay của anh đã là những bài thơ cách mạng và kháng chiến, mới về nội dung lẫn hình thức.
Lấy ví dụ như bài “Em tôi”. Cảm hứng bài thơ, vóc dáng câu thơ đâu có giống thơ ai thời “Thơ mới”. Cái lối thơ tự do mà cách luật, nhất thể mà hợp thể đó là sự khởi đầu của thi pháp thơ cách mạng và kháng chiến, đúng như Johannes Becher, thi hào Đức hiện đại, đã viết: “Một nền nghệ thuật mới không phải bắt đầu với những hình thức mới. Nó bắt đầu với những con người mới”. Huy Phương thuộc các thế hệ nhà thơ sinh ra từ Cách mạng tháng Tám, từ cuộc kháng chiến cứu nước 1945-1954 và về sau.
Có thời, có người nói rằng thơ cách mạng, kháng chiến chỉ là thơ sử thi, thơ hướng ngoại. Không phải không có điều đó. Song thơ Huy Phương 1954-1965 rồi từ đó cho đến nay cũng chứng minh điều ngược lại. Ngay từ những bài thơ đầu, thơ anh là thơ tâm tình, thơ suy tưởng, tức cũng là hướng nội. Chỉ điều hướng nội từ đâu? Cũng từ ngoại cảnh. Những tâm tình, suy tưởng trong thơ anh đều “nhuốm màu thời đại”, vang vọng âm thanh của những lo toan, đấu tranh, khắc khoải của đất nước và của thế giới trong những năm tháng ấy của thế kỷ XX. Cả những điều rất day dứt, trăn trở: Không chỉ hòa bình, độc lập, thống nhất, cách mạng mà còn lý tưởng, cách sống, lối sống, khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực, lý tưởng và thực tế, từ đó niềm tin và hoài nghi, thất vọng và hi vọng.
Là nhà thơ, nhà văn giàu tri thức và trí tuệ, thơ Huy Phương trải qua mấy thập niên, chứa đựng không ít suy tư, băn khoăn tự hỏi, tự trả lời nhiều điều cho mình, cho bạn và khi tuổi cao, cho con, cho thế hệ mai sau. Đúng là 30 năm kháng chiến, từ đó đến nay, âm điệu chính của cuộc sống và văn chương là âm điệu lạc quan, song phải đâu là lạc quan dễ dãi. Đó là “những năm tháng không yên” cả trên bầu trời, trên mặt đất, trong cuộc sống và trong lòng người, song “tất cả để chiến thắng”, tất cả phải vượt qua để khẳng định một niềm tin. Và điều đó đã được lịch sử chứng minh là có lý, là chân lý.
Và bước vào tuổi 80 với tròn 60 tuổi Đảng, Huy Phương vẫn còn rất trẻ trong những câu thơ về tình yêu, tuy trong đó không còn hoàn toàn là tình yêu của tuổi trẻ, Nghĩa là không còn nồng nhiệt nữa. Mà lặng lẽ: Ba mươi năm/ Hình như chưa bao giờ/ Anh nói: Anh yêu em/ Tình yêu chúng ta/ Không có lời ước nguyện/ Bởi là điều hiển nhiên/ Hiển nhiên/ Như tiếng khóc của con ta/ Như tiếng cười của con ta/ Như đồng bạc ta kiếm được/ Bằng bàn tay cần cù, vất vả/ Như bập bùng bếp lửa/ Như đã qua, những ngày gian khổ/ Như đang tới, niềm vui hôm nay/ Như mặt trời ban ngày/ Vì sao ban đêm/ Những điều hiển nhiên/ Lặng lẽ. (Lặng lẽ,1986)
Một lần nữa, tôi lại thấy như Huy Phương đã nói được điều gì thân thiết của bản thân tôi, hơn 50 năm sau, như thơ của bạn trong đời của mình.
Nhà văn của giai cấp công nhân, nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ đã lặng lẽ ra đi trưa ngày 2 tháng 12 năm 2009, để lại những vần thơ và những trang sách mà văn học Vịệt Nam hiện đại sẽ không bao giờ quên.
Vĩnh biệt Anh, nhà thơ và nhà văn Huy Phương
TRẦN THANH ĐẠM