“Thợ dạy” các môn xã hội

Sau vài lần dự giờ môn Sử của một giáo viên trẻ mới được nhận về trường, ban giám hiệu một trường THCS ở TPHCM thống nhất trả lại nhân sự này cho phòng giáo dục vì lý do cô này dạy yếu, kiến thức mỏng và thiếu kỹ năng sư phạm. Hiệu trưởng trường này bộc bạch: “Phải đắn đo lắm tổ bộ môn Sử và ban giám hiệu mới đưa ra quyết định này vì liên quan đến chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến môn học mà học trò vốn không thích học nếu giáo viên dạy dở”.

Khi được hỏi vì sao có 3 năm được đào tạo bài bản ở trường cao đẳng sư phạm nhưng khi ra dạy lại lúng túng, không biết cách diễn đạt, trình bày sự kiện, vấn đề lịch sử một cách logic, dễ hiểu thì cô giáo trẻ này thực lòng trút tâm sự: “Em nói thật, những ai học dốt mới chọn mấy môn xã hội, trong đó có em. Nhưng vào học ở trường cao đẳng thì cũng được đào tạo qua quít,  thiếu bài bản và chính giảng viên cũng không truyền cảm hứng cho người học...”.

Một hiệu trưởng ở trường THPT cũng than thở rằng một số giáo viên mới ra trường về dạy các môn xã hội, giáo dục công dân đều yếu về kiến thức, kỹ năng. Đáng sợ nữa là viết sai cả chính tả, thể hiện câu cú không mạch lạc… “Không hiểu đầu vào của ngành sư phạm tuyển chọn như thế nào và đào tạo ra sao mà dẫn đến tình trạng đáng báo động này?” - vị hiệu trưởng này bức xúc.

Có thể nói, câu chuyện về một bộ phận giáo viên trẻ mới ra trường hiện nay năng lực chuyên môn yếu, không đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn xã hội, nhất là đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng đổi mới, dạy theo nhóm, dự án và tích hợp đang là vấn đề đặt ra. Hệ quả của tình trạng này là do ngày càng ít học sinh học giỏi các môn xã hội đầu quân vào ngành sư phạm. Không có thầy giỏi thì làm sao có trò giỏi? Đó là câu hỏi đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục đang được xới lên.
 
Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, để học trò yêu thích học các môn xã hội thì người thầy phải có kiến thức sâu, rộng biết thổi hồn vào từng bài giảng, dẫn dắt học sinh khám phá tri thức sâu rộng, thế giới xung quanh. Một khi phải chọn nghề giáo một cách khiên cưỡng hoặc vì chẳng thể học nghề nào khác thì làm sao họ có thể làm tốt vai trò người kỹ sư tâm hồn, kiến tạo tri thức cho học sinh.

Đừng vội trách học trò thời nay quay lưng với các môn xã hội, trong đó có môn Sử, Địa. Lỗi đầu tiên thuộc về chúng ta và lỗ hổng để cho nhiều giáo viên thiếu trình độ, năng lực, kỹ năng sư phạm nhưng vẫn đứng lớp giảng dạy như “thợ dạy” - truyền đạt rập khuôn nội dung chương trình sách giáo khoa đã khiến người học nhàm chán.
 
Bao giờ thì những học sinh học giỏi các môn xã hội sẽ chọn nghề giáo và làm thế nào để họ yên tâm với sự nghiệp trồng người đang đòi hỏi nhiều thầy giỏi, có năng lực, tư duy đổi mới?

THIÊN ANH

Tin cùng chuyên mục