Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận lần cuối và thông qua tại Kỳ họp lần thứ 7 khai mạc ngày 20-5 tới đây. Kết quả lấy ý kiến, với trên 1 triệu lượt góp ý cho dự thảo luật, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến thảo luận, trong đó có vấn đề làm sao phát triển hệ thống trường ngoài công lập, thu hút đầu tư của xã hội cho giáo dục.
Bên cạnh quy định học phí trường tư thục, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được nhiều trường tư thục đặc biệt quan tâm về một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục, việc thể chế hóa chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, cũng như việc quản lý nhà nước đối với trường tư thục.
Nhiều ý kiến cho rằng Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục, giúp cho hoạt động thực tiễn các trường tư thục phát triển. Thế nhưng trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi gần như không đề cập đến quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư, mà nêu “quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường”. Điều này khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư lo lắng, băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường tư thục và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị nên dùng khái niệm “trường tư thục của các nhà đầu tư” thay cho khái niệm mới là “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường”, như dự thảo đề cập. Đồng thời, cũng cần xác định một tổ chức đại diện của nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục.
Vừa qua những nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục đã đồng loạt ký văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến về các điều 49, 56 và 100 của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để làm rõ 2 quyền trụ cột nhất của các nhà đầu tư trường tư thục, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành. Quan điểm của các nhà đầu tư trường tư thục là quyền sở hữu và quyền điều hành của nhà đầu tư không thể bị chia sẻ cho bất cứ ai không có vốn góp, điều này Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã không đề cập rõ.
Trước những kiến nghị trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã có giấy mời hỏa tốc đến đại diện các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục để nghe ý kiến góp ý, thảo luận về nội dung này. Cuộc họp có đại diện ban soạn thảo Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Kết quả, buổi làm việc đã giải tỏa được những bức xúc của các nhà đầu tư trường tư thục, bằng cách sửa lại dự thảo luật rõ ràng hơn. Những vướng mắc đã được giải quyết để tới đây dự thảo luật trình lần cuối ra Quốc hội xem xét, thông qua.
Chúng ta đã biết, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, không vì lợi ích kinh tế, mà để làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa vì sự phát triển của một nền giáo dục toàn diện. Do đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) phải tiếp tục bảo đảm quy định rõ các nguyên tắc về chế độ tài chính, sở hữu tài sản và chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục, để vừa bảo đảm quyền lợi của người học, vừa bảo đảm quyền tự chủ về tài chính và quản lý tài sản của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục theo quy định pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo sự ổn định và phát triển của nhà trường dân lập, tư thục, tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển nền giáo dục toàn diện.