Xây dựng và phát triển các khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung là vấn đề không hề mới và đã được đề cập mấy năm về trước. Một số mô hình phát triển CNTT tập trung ở Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM), Khu công nghệ cao TPHCM và Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã hoạt động và bước đầu có những thành công. Thế nhưng, theo đánh giá của Bộ TT-TT, sự phát triển và hiệu quả hoạt động của các khu CNTT tập trung giai đoạn vừa qua chưa đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Sự tác động, thúc đẩy đối với ngành CNTT là chưa lớn như định hướng, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chưa thu hút được sự đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu phát triển của các tập đoàn CNTT lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Khách quan là sự suy giảm của kinh tế thế giới và chậm tăng trưởng của kinh tế Việt Nam làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, nhất là doanh nghiệp phần mềm và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chủ quan là thiếu nguồn lực đầu tư; chính sách về ưu đãi đối với khu CNTT tập trung không được đồng bộ, hiệu quả trong quá trình thực thi; hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư cho khu CNTT tập trung còn thiếu và hầu như không thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT xây dựng nội dung triển khai Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương. Đối với nguồn lực đầu tư, dự kiến Nhà nước sẽ hỗ trợ hình thành 7 khu CNTT tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Theo đó Trung ương sẽ hỗ trợ ban đầu từ 40-60 tỷ đồng/khu CNTT nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút nguồn lực của xã hội vào các dự án này. Để đảm bảo đầu tư trọng điểm, có hiệu quả nguồn vốn của chương trình, Bộ TT-TT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố được lựa chọn cần phải sử dụng nguồn kinh phí được cấp để đầu tư, phát triển các khu CNTT tập trung đúng với mục tiêu và nội dung của chương trình. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc xây dựng và phát triển thành công các khu CNTT tập trung nhằm tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển CNTT, qua đó tạo thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần phát triển CNTT Việt Nam một cách bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp trọng tâm là nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép lập quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ việc ươm tạo và hoạt động của các doanh nghiệp mới trong khu CNTT tập trung. Cụ thể, sẽ lựa chọn, triển khai đầu tư một số vườn ươm điểm tại các khu CNTT tập trung, chuyên nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc thù phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đối với các khu CNTT tập trung, đặc biệt là các chính sách ưu đãi; Nhà nước cần khuyến khích các nguồn lực xã hội, vốn đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển các khu CNTT tập trung. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các khu CNTT tập trung; đẩy mạnh việc trao đổi, kết hợp các hoạt động sản xuất và nghiên cứu giữa các khu CNTT tập trung và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
Cùng với đó, Nhà nước tập trung hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị đào tạo nhân lực CNTT trong các khu CNTT tập trung tổ chức các chương trình đào tạo, thực hiện liên kết hợp tác với các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực CNTT để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu CNTT tập trung. Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, đó là xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho các khu CNTT tập trung cũng như thương hiệu của CNTT-TT Việt Nam. Việc tăng cường quảng bá nhằm góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia vào hoạt động trong các khu CNTT tập trung của Việt Nam.
TRẦN LƯU