Thu phí sử dụng đường bộ - Đường tốt, hết kẹt xe?

LTS:
Thu phí sử dụng đường bộ - Đường tốt, hết kẹt xe?

LTS: Bộ Tài chính cho biết sẽ bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-1-2013 đối với ô tô và xe máy. Đây là loại phí được thu cho quỹ bảo trì đường bộ dùng để bảo trì, bảo dưỡng đường bộ. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về vấn đề người dân đang quan tâm: Việc bảo trì đường bộ có tương xứng với nhiều khoản phí mà người sử dụng phương tiện giao thông phải đóng góp?

Người dân phải chạy xe trên những con đường tệ hại như thế này, lại phải đóng phí sử dụng đường bộ. Ảnh chụp trên đường Thế Lữ, xã Tân Nhựt, Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Tuấn Vũ

Người dân phải chạy xe trên những con đường tệ hại như thế này, lại phải đóng phí sử dụng đường bộ. Ảnh chụp trên đường Thế Lữ, xã Tân Nhựt, Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Tuấn Vũ

  • Cân nhắc, tránh tận thu

Từ ngày 1-1-2013, chủ nhân các xe máy và ô tô trong cả nước sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ, với mức từ 50.000 - 150.000 đồng/năm (đối với xe đạp điện, xe máy) và từ 130.000 - 1.040.000 đồng/tháng (đối với ô tô). Phí sử dụng đường bộ là một trong 3 nguồn hình thành nên quỹ bảo trì đường bộ, 2 nguồn còn lại là do ngân sách nhà nước cấp cùng các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác.

Phí sử dụng đường bộ tác động trực tiếp đến gần 40% dân số nước ta, những chủ nhân của hơn 28 triệu xe gắn máy và khoảng 1,5 triệu ô tô các loại. Theo Bộ Tài chính, ước tính phí thu được bổ sung vào quỹ bảo trì đường bộ khoảng 4.600 tỷ đồng/năm, và theo Bộ GTVT, so với nước ngoài, mức phí này vẫn thấp hơn nhiều. Không rõ hiện nay trên thế giới có bao nhiêu nước, gồm những nước nào có thu phí sử dụng đường bộ như Việt Nam, và mức thu khoảng bao nhiêu tiền một năm đối với mỗi phương tiện, nhưng có thể biết chắc một điều là tại hầu hết các nước, không có tình trạng phí chồng phí, loạn thuế, phí như ở Việt Nam.

Chẳng hạn, chỉ riêng về giao thông, người dân phải đóng rất nhiều loại thuế, phí. Về trực tiếp thu, có phí sử dụng đường bộ, phí qua trạm, qua cầu phà, phí kiểm định phương tiện vận tải… Về gián tiếp thu, có thuế trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… Thêm nữa, mức sống của phần lớn người dân các nước trên thế giới thường cao hơn nước ta từ vài lần đến vài chục lần. Khi cần so sánh giá cả, mức thuế cao hay thấp, xin đừng bao giờ quên điều cốt tử này!

Thực trạng sức dân nước ta hiện nay không được khỏe cho lắm, tỷ lệ người nghèo, hộ nghèo còn nhiều. Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, thu nhập của người lao động rất bấp bênh, giá cả leo thang, lại phải oằn vai vì viện phí, học phí cho con, cộng thêm nhiều loại thuế, phí khác luôn đè nặng. Có người bảo rằng một hai trăm ngàn đồng phí sử dụng đường bộ một năm thì có là bao, nhưng xin đừng quên rằng ở nước ta hiện nay vẫn có hàng triệu người lao động làm việc quần quật, bươn chải cả ngày cũng chưa kiếm nổi dăm ba chục ngàn đồng để sống qua ngày. Do đó, nên hết sức cân nhắc, tránh tận thu đối với người lao động. Lúc khó khăn này lại càng phải chú trọng việc an dân.

Biên Hà (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Tiền thu phí phải được sử dụng hiệu quả

Mặc dù lý do thu phí sử dụng đường bộ được đưa ra là để bảo trì, bảo dưỡng đường bộ, nhưng có nên đặt ra việc thu phí đường bộ vào lúc đời sống của đa số người dân, nhất là người dân nghèo đang rất lao đao do kinh tế suy thoái. Thêm nữa, việc bảo trì, bảo dưỡng đường bộ là trách nhiệm đương nhiên của cơ quan chức năng của nhà nước sử dụng từ thuế và các nguồn thu ngân sách khác. Lẽ nào lâu nay chưa thu phí này thì không thể sửa chữa, bảo trì đường bộ? Không thể bắt người dân tiếp tục cõng phí, vì khi mua một chiếc xe người dân đã phải gánh nhiều loại phí như thuế trước bạ, phí đăng ký xe rồi.

Điều làm hàng chục triệu người phải nộp phí sử dụng đường bộ quan tâm là khi thu phí để huy động thêm kinh phí từ người dân cho việc bảo trì, bảo dưỡng đường bộ, thì có bảo đảm đường sá sẽ hết tình trạng chật hẹp, xuống cấp, ngập nước, kẹt xe và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông? Nếu tình trạng tệ hại đó vẫn không được khắc phục, người nộp phí có được khởi kiện các cơ quan chức năng và đòi bồi thường hay không?

Còn nhớ, ngày 16-3-2006 Tòa án Nhân dân tối cao của Hàn Quốc đã tuyên án buộc Tập đoàn Đường cao tốc Hàn Quốc phải bồi thường cho 244 hành khách bị kẹt đường vào năm 2004 do bão tuyết. Theo tòa nhận định, nguyên nhân tắc nghẽn giao thông gây kẹt đường là do lỗi từ công tác quản lý đường cao tốc. Tòa cho rằng dù thời tiết biến đổi khó dự đoán nhưng Tập đoàn Đường cao tốc Hàn Quốc vẫn phải có biện pháp khai thông nhanh ùn tắc giao thông. Nếu như Bộ Tài chính và Bộ GTVT nước ta cam kết rõ ràng về việc tiền thu phí sử dụng đường bộ sẽ được sử dụng hiệu quả thiết thực, cam kết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân khi xảy ra tắc đường, tai nạn…, thì hẳn người dân cũng chấp nhận cắt xén thu nhập ít ỏi của mình để đóng phí.

Minh Vũ (Tân Bình, TPHCM)

  • Nên chọn cách thu ít tốn kém hơn

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mức thu phí sử dụng đường bộ sẽ do HĐND cấp tỉnh quy định, còn UBND cấp xã - phường - thị trấn tổ chức cho tổ dân phố, tổ nhân dân tiến hành việc kiểm tra kê khai và trực tiếp đi thu. Để thu phí sử dụng đường bộ, UBND cấp xã, phường sẽ chỉ đạo tổ dân phố hoặc thôn tổ chức kê khai đối với xe máy của chủ phương tiện trên địa bàn. Người dân sẽ thực hiện kê khai và nộp phí theo địa phương mình cư trú. Rõ ràng đây sẽ là một cách thu không khả thi vì chính quyền cơ sở đang quá nhiều việc phải lo và sẽ khó cưỡng chế thu phí. Muốn thu phí phải gõ cửa từng hộ để làm công tác kê khai xe máy, đòi hỏi phải huy động thêm nhân sự. Thực tế hiện nay chính quyền địa phương không quản lý nổi số người tạm trú trên địa bàn, nay lại đòi phải quản lý có bao nhiêu xe máy trên địa bàn, chắc chắn sẽ không thực hiện được.

Việc đặt ra một khoản thu phí mà phải huy động cả hệ thống chính quyền cơ sở và nhiều ban ngành liên quan, sẽ tốn chi phí cho hoạt động thu phí không nhỏ chút nào so với khoản tiền thu được. Đó là một điều quá bất hợp lý, vì danh nghĩa là thu phí để bảo trì, bảo dưỡng đường bộ nhưng tỷ lệ để chi cho mục đích này lại rất khiêm tốn. Nếu vẫn nhất quyết thu phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính nên cân nhắc chọn cách thu hợp lý, ít tốn công sức và ít tốn kém hơn.

Lê Thanh Hiền (Quận 8, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục