Thử thách cho đạo diễn trẻ

Nhiều năm qua, lĩnh vực sân khấu luôn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Dẫu vậy, thực tế cũng đã cho thấy rõ sự khát khao làm nghề của một lớp đạo diễn trẻ từ sân khấu TPHCM. 

Chủ động sáng tạo, phá cách

Khán giả Tuyết Tâm (quận Phú Nhuận) cho biết rất thích kịch nói và cải lương nên khi nghe có vở mới, chị thường đi xem. Chị chia sẻ: “Tôi thấy khán giả mua vé phần nhiều do sự hâm mộ dành cho nghệ sĩ. Thực tế xem nhiều vở, khó thấy được phong cách đặc trưng của đạo diễn. Tôi nhớ thế hệ đạo diễn lúc trước như cố NS Thế Ngữ, Trần Ngọc Giàu, Trần Minh Ngọc, Hoa Hạ, Thanh Hoàng... đều tạo được nét đặc trưng trong cách dựng vở”.

Tính đến nay, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đã đào tạo đến khóa thứ 9 chuyên ngành đạo diễn sân khấu. Nhưng sau từng ấy năm, để có thể trụ vững và tiếp tục làm nghề thì không có bao nhiêu người. Nhiều năm qua, chỉ có một số ít đạo diễn bám trụ sân khấu, được giới chuyên môn nhìn nhận như: Ngọc Hùng, Vũ Đình Toàn, Bùi Quốc Bảo, Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Thái Kim Tùng, Nguyễn Khắc Duy, Nguyễn Thu Phương… Cách thức làm nghề đa dạng đã giúp các đạo diễn tiếp cận những xu thế mới, sáng tạo cách dàn dựng mới, tạo mảng miếng, màu sắc khác biệt và mang hơi thở thời đại. 

Trong số nhân tố kịch nói được chú ý có đạo diễn Ngọc Hùng. Anh ghi dấu ấn sáng tạo qua các vở diễn trên sân khấu kịch Thế Giới Trẻ như: Chuyện tình Bangkok, Thâm cung nội chiến, Bao giờ mẹ lấy chồng, Mẹ chồng rắc rối… các phim điện ảnh Yêu là phải xài chiêu, Rừng xanh kỳ lạ truyện, Yêu nữ siêu quậy… và các sitcom được phát sóng trên HTV: Tiệm tóc tình yêu, Hẻm không sợ vợ, Những bà mẹ bỉm sữa… Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy tạo nét khác biệt nổi bật với các tác phẩm nhạc kịch gắn liền với thương hiệu nhóm kịch Buffalo như: High School Musical, Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố, Vũ nữ, Tấm Cám…   

Đạo diễn Hoàng Tấn của Nhà hát Kịch TPHCM vừa dựng vở Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng), một tác phẩm kịch lịch sử được dàn dựng bằng công nghệ 4.0, kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu và công nghệ điện ảnh hiện đại, kỹ thuật trình chiếu màn hình LED và Gauze. Điều này giúp tạo nên một không gian thưởng thức mới lạ, sân khấu 3D có chiều sâu, cảnh chồng cảnh, cảnh và người hòa hợp, giúp khán giả mãn nhãn. Vở kịch được nhà hát đầu tư kinh phí 200 triệu đồng, nhưng để có thể thực hiện dàn dựng đạt được chất lượng hình ảnh và hiệu ứng kỹ thuật, đạo diễn phải bỏ tiền túi thêm 150 triệu đồng.

Đạo diễn Hoàng Tấn cho hay: “Từ phản hồi tích cực của khán giả sau khi xem vở kịch Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung, tôi nhận thấy xu hướng dàn dựng kịch 3D với hiệu ứng chân thật, hấp dẫn, sẽ là cách thức đẩy mạnh sự phát triển của sân khấu kịch thời gian tới. Xu hướng này có thể đáp ứng tốt cho việc khai thác và thực hiện các dự án sân khấu du lịch”.

Thử thách cho đạo diễn trẻ ảnh 1 Một cảnh trong vở diễn Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung của đạo diễn Hoàng Tấn

Tạo sân chơi cho đạo diễn trẻ

 Trong khi sân khấu thế giới phát triển hiện đại thì sân khấu trong nước vẫn hoạt động với muôn thứ cũ kỹ: bệ bục, dàn dựng ước lệ; làm thủ công trong chuyển cảnh, ánh sáng; thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đầu tư dàn dựng… Cũng vì sự thiếu thốn đã khiến người làm nghề kỳ cựu nhiều khi nản và hụt hẫng. 

Đạo diễn Thái Kim Tùng cho biết: “Tôi ấp ủ tổ chức một sân khấu kịch phi lợi nhuận dành cho đạo diễn trẻ với tên gọi Sài Gòn Mới, sẽ sinh hoạt, dàn dựng và biểu diễn tại sân khấu Sen Việt (lầu 1), Hội Sân khấu TPHCM. Sân chơi này sẽ ra mắt vào tháng 9-2022, là nơi tập hợp những người trẻ tâm huyết, yêu nghề. Các tác phẩm thi tốt nghiệp, tác phẩm kịch mới, sáng tạo và mang tính thử nghiệm… đủ chất lượng sẽ công diễn bán vé. Đạo diễn trẻ tham gia còn có dịp học hỏi thêm kinh nghiệm các đạo diễn sân khấu kỳ cựu thông qua nhiều buổi trò chuyện, trao đổi chuyên môn”.

Hướng đến việc phát huy tài năng và tạo sân chơi cho đạo diễn lĩnh vực sân khấu, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Tháng 5-2022, Hội Sân khấu TPHCM sẽ ra mắt CLB Đạo diễn trẻ, là nơi hoạt động thường xuyên và định kỳ tổ chức các buổi họp mặt, trao truyền kinh nghiệm nghề của những đạo diễn giỏi nghề, thế hệ đi trước, giúp các em có thêm kiến thức chuyên môn. Phải giúp các em phát huy được sức sáng tạo trong dàn dựng, tác phẩm phải đạt chiều sâu nghệ thuật, chất lượng về kỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế sân khấu, phục trang, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại… để nâng chất vở diễn. Đặc biệt, tôi quan tâm nhiều đến lực lượng đạo diễn trẻ của sân khấu cải lương, đội ngũ này hiện nay đang rất ít”. 

CLB dành cho tất cả đạo diễn trẻ TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Sẽ tổ chức các lớp tập huấn vào ngày cuối tuần tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM hoặc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Mục tiêu là hướng tới xây dựng các vở diễn thể nghiệm, sân khấu đậm tính dân tộc và tiến bộ. Đó là mong ước của nhiều người làm nghề, cũng là mong mỏi vừa phát huy nghệ thuật truyền thống vừa chuyển tải được hơi thở thời đại của khán giả mộ điệu.

"Không chỉ đạo diễn trẻ mà cả người viết trẻ cũng được sân khấu 5B tạo nhiều cơ hội để thử sức sáng tạo. Điều quan trọng là các bạn phải chủ động bày tỏ ý tưởng và khi bắt tay làm việc thể hiện được năng lực chuyên môn. Trước đây, 5B có đạo diễn Đức Thịnh, nay sân khấu có lớp đạo diễn Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Thái Kim Tùng... cộng tác với nhiều vở diễn tạo được dấu ấn. Chúng tôi tin tưởng và sẵn sàng giao sân khấu để các bạn tự tin thỏa sức sáng tạo. Dù sân khấu chính thống hôm nay không như trước, nhưng các sân khấu kịch xã hội hóa vẫn là một bệ phóng tốt giúp các đạo diễn trẻ có cơ hội làm nghề, va chạm thực tiễn"
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B

Tin cùng chuyên mục