Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh 203 điển hình “Dân vận khéo” từ mọi miền đất nước về Hà Nội dự cuộc gặp mặt vào đúng dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm giải phóng Thủ đô. Sự có mặt của các đại biểu từ các thành phần, lứa tuổi, vùng miền đã nói lên sự đoàn kết, tính chất dân vận đa dạng, phong phú.
Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp cách mạng của đất nước muốn thành công phải dựa vào dân, muốn làm được phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Do đó, công tác dân vận rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao. Những kinh nghiệm quý từ công tác “dân vận khéo” để hiểu dân, nói cho dân tin, làm cho người dân hiểu và ủng hộ. Thủ tướng lấy ví dụ về thành tựu trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhờ có sự ủng hộ của người dân nên Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới về ngăn chặn dịch. Thế giới đánh giá cao Việt Nam về phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong số ít nước đạt tăng trưởng dương, kết quả này có vai trò lớn lao của người dân.
Theo Thủ tướng, công tác dân vận không chỉ ban dân vận làm mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng mong các điển hình dân vận giám sát trách nhiệm của chủ tịch UBND, trưởng thôn, bí thư chi bộ, bí thư đảng bộ các cấp có làm tốt việc xử lý nguyện vọng của nhân dân hay không. Các cấp chính quyền cũng không được “khoán trắng” cho công tác dân vận mà phải cùng xắn tay áo lo việc cho dân, từ việc thiết kế chính sách đến vận động, nêu gương.
Bên cạnh đó, công tác dân vận cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền vận động để khơi dậy tinh thần yêu nước. Thủ tướng lấy ví dụ, trước tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, các địa phương mặc dù đang tập trung tổ chức đại hội Đảng vẫn quan tâm bảo vệ tính mạng, tài sản người dân; phát động các phong trào “lá lành đùm lá rách” hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là sự sáng tạo, gắn liền với các vấn đề thời sự của đất nước chứ không thể máy móc, “xuân thu nhị kỳ” trong làm công tác dân vận.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác dân vận.
Trước đó, báo cáo của Ban Dân vận Trung ương cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009. Trong 10 năm qua cả nước đã bình chọn, tôn vinh hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hàng chục vạn tấm gương dân vận trong cả nước đều có chung một điểm, đó là dù bất cứ ở đâu, làm bất cứ công việc gì, vị trí công tác như thế nào đều hết lòng để làm dân vận có hiệu quả hơn, mang đến điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của nhân dân. Có những công việc rất gian khổ, như vận động nhân dân ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời có những công việc có tính chất phức tạp như bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân của lực lượng vũ trang hay công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu kiện...
Cùng ngày, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã chủ trì buổi gặp mặt đoàn đại biểu các tấm gương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc do Thành ủy Hà Nội tổ chức.